KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (TCDL) đây là đà tăng trưởng tiếp nối năm 2007 của thị trường du lịch cao cấp. Thống kê của Vụ Lữ hành, TCDL cho thấy, năm 2007 dòng khách thị trường Tây Âu có bước nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Tổng lượng khách Tây Âu đạt trên 700.000 lượt. Trong đó, khách Pháp (mặc dù hết sức tiềm năng và là thị trường truyền thống của DLVN) nhưng trong suốt 10 năm liên tục, dòng khách này chỉ xấp xỉ con số 100.000 lượt, thì năm 2007 khách từ thị trường này tăng tới 40% so với 2006, đạt 186.000 lượt. Khách Nga và Đức cũng đạt trên 100.000 lượt khách. Như vậy, tại thị trường Tây Âu, đã có 3 thị trường đạt lượng khách trên 100.000 lượt.
Bên cạnh đó, sự khởi sắc của thị trường ASEAN góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của DLVN. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp lữ hành chỉ chú trọng quảng bá tại các thị trường lớn mà ít dành thời gian cho thị trường khu vực; dẫn đến việc các nước láng giềng đón khoảng 60 - 80% khách nội vùng trong tổng lượng khách quốc tế, thì DLVN mới đạt ở con số 15%. Có nghĩa là, trong số 4,2 triệu lượt khách Việt Nam đón trong năm 2007, thì khách khu vực mới đạt trên 600.000 lượt. Tuy nhiên, dấu hiệu này cho thấy sự phân khúc thị trường bước đầu đã đem lại kết quả.
Theo nhận định chung của các hãng lữ hành quốc tế, khách du lịch ngày càng thiên về xu hướng nghỉ dưỡng, nếu như trước đây xu thế du lịch khám phá, sinh thái, mạo hiểm chiếm ưu thế thì nay đang lặng lẽ ‘nhường ngôi’ cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, biển, đảo. Đại diện của Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, đã bắt đầu xuất hiện khách du lịch nghỉ dưỡng dài hàng tháng, muốn duy trì được đối tượng khách này bắt buộc phải có sản phẩm để cung ứng theo yêu cầu của khách hàng. Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc thay đổi sản phẩm để “kết nối cung cầu”.
MỘT SỐ ĐIỂM YẾU CẦN KHẮC PHỤC
Điểm yếu bộc lộ rõ nét nhất của DLVN không chỉ là sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, mà còn là dấu hiệu ‘khập khiễng’ về thị trường.
Lượng khách đường bộ qua các cửa khẩu khu vực miền Trung đã tạo bước đột biến, nhất là từ khi ba quốc gia Việt – Lào – Thái thực thi thỏa thuận du lịch đường bộ. Điều này lý giải sự phát triển du lịch ồ ạt khu vực miền Trung thời gian qua (được ngành Du lịch ghi nhận là một trong những ‘sự kiện’ nổi bật của Ngành trong năm 2007). Tuy nhiên, do mất một lượng khách đáng kể từ thị trường Trung Quốc, nên đương nhiên lượng khách đường bộ sẽ không thể chuyển biến mạnh như kỳ vọng của Ngành.
Bên cạnh đó, là sự tăng mạnh trở lại của dòng khách đường thủy. Được xem là ‘đỉnh cao’ vào năm 2002 với lượng khách đạt tới 100.000 lượt khách, nhưng ngay sau đó lượng khách này lại giảm đột ngột (do hãng tàu du lịch lớn nhất thế giới Star Cruise dừng không đưa khách tới Việt Nam, chỉ riêng hãng tàu này mỗi năm đã đưa trên 100.000 lượt khách du lịch đường biển tới Việt Nam). Năm 2008, các hãng tàu lớn đã quay trở lại (riêng hãng Star Cruise đã đảm bảo từ 80.000 - 100.000 lượt khách/năm). Chỉ tính từ đầu năm đến nay, khách tàu biển đã đạt gần 40.000 lượt khách.
Hiện các cảng đủ tiêu chuẩn để đón khách du lịch còn quá thiếu và chưa có cảng chuyên dụng phục vụ đón khách du lịch. Mặt khác, một số cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển du lịch biển không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Để thu hút và giữ chân du khách, phải khai phá những điểm du lịch mới hấp dẫn, xây dựng các điểm nghỉ dưỡng cao cấp, hình thành được những trung tâm nghỉ dưỡng có “thương hiệu”, đáp ứng nhu cầu của khách chi trả cao, đồng thời kết hợp song song những tuyến điểm truyền thống với hiện đại để tạo tính hấp dẫn đặc sắc cuốn hút du khách.
Một yếu tố không thể không nhắc tới, đó là sự chênh lệch quá lớn trong cơ cấu hướng dẫn viên (HDV). Trong tổng số 6.000 HDV được cấp thẻ thì tiếng Anh chiếm tới 2.700, tiếng Trung Quốc 1.700, tiếng Pháp 1.800, tiếng Nhật 400. Số HDV các ngoại ngữ hiếm thiếu một cách trầm trọng, như tiếng Hàn Quốc chỉ có khoảng 40 HDV trên toàn quốc (trong khi đó, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam năm 2007 đạt 475.000 lượt). Đây chính là một yếu tố quan trọng để giữ chân du khách.
VIỆT ANH