 |
Ách tắc giao thông tại chợ Viềng - 2008 Ảnh: Minh Khôi |
Không sợ mưa, rét chỉ sợ... tắc nghẽn giao thông
Trước chốn thờ phụng, tâm linh, người ta như nhẫn nhịn, hướng thiện hơn. Câu nói này gắn vào phiên chợ Viềng năm 2008 thấy quả không sai. Vì chỉ có thể nhường nhịn, nhẫn lại, người ta mới chịu đựng được cảnh tắc đường diễn ra hàng chục giờ liền trong đêm giá lạnh tê tái. Tắc nghẽn giao thông ở chợ Viềng đã thành thông lệ xảy ra thường xuyên và là nỗi sợ của nhiều du khách. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thiếu sự quan tâm, đầu tư và phân luồng giao thông, quy hoạch lại các địa điểm bán hàng, ở đây chủ yếu là các mặt hàng của Ban Tổ chức lễ hội và các cấp chính quyền địa phương.
Có rất nhiều con đường lớn dẫn vào trung tâm chợ Viềng, phủ Giày nhưng không có một tuyến đường nào được phân luồng rõ ràng dành cho xe ô tô, xe máy và người đi bộ nên không con đường nào vào chợ Viềng mà lại không bị tắc nghẽn trong thời gian phiên chợ diễn ra.
Quy hoạch lại nơi bán hàng
Trong khi đường đã không được phân luồng rõ ràng, cộng thêm người bán hàng và hàng hóa bày bán la liệt, tràn lan khắp nơi bên 2 ven đường nên càng làm cho tắc nghẽn giao thông trở nên nghiêm trọng. Do đó để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ở phiên chợ Viềng Nam Định thì cùng với việc phân luồng đường, định rõ đường ra, đường vào, tỉnh Nam Định cũng nên cho thành lập và quy hoạch lại các địa điểm bán nông sản, nông cụ và hàng hóa lưu niệm. Trong đó việc quan trọng nhất là đưa những người bán hàng nông sản (ở đây chủ yếu là cây cảnh) về một địa điểm, những người bán nông cụ, sản phẩm hàng hóa lưu niệm về một chợ và một chợ dành riêng cho việc bán thịt bò, thịt bê và các loại đồ thực phẩm khác. Kiên quyết không để tình trạng mạnh ai nấy bán, chiếm dụng lòng đường, gây cản trở giao thông. Các nhà dân ven đường vào cũng góp phần làm nên ách tắc giao thông, họ không chỉ chăng dây làm dịch vụ trông xe vỉa hè gây cản trở cho người đi bộ mà còn nhận trông ô tô để dưới lòng đường (trục đường từ Nam Định đi Vụ Bản).
Đi chợ để... đánh bạc
Phiên chợ Viềng năm 2008 đông người gấp 3 - 4 lần năm 2007. Theo Ban Tổ chức, chỉ tính từ 17h chiều ngày 7 đến 12h ngày 8 tháng giêng năm Mậu Tý đã có khoảng 30 vạn du khách về với chợ Viềng. Trong số đó, có không ít du khách khi đi thì túi tiền rủng rỉnh, nhưng chưa hết buổi chợ, tiền đã không còn một xu vì sa đà vào thú vui cờ bạc.
Ở chợ Viềng năm nay, những chiếu bạc có rất nhiều. Trò chơi cá cược phổ biến nhất là xóc đĩa và "chiếc nón kỳ diệu". Trong màn đêm lạnh buốt không người quản lý, những chiếu bạc giữa chợ đông kín người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên sự lộn xộn ở phiên chợ Viềng, làm xấu đi nét văn hóa chốn linh thiêng và cần được dẹp bỏ dứt điểm ở những phiên chợ tiếp theo.
Đi chợ như đi... đánh giặc
Tan phiên chợ Viềng, cảnh quan ở đây tơi tả như vừa qua một trận càn. Tại các đoạn đường chính dẫn vào chợ Viềng và đền, phủ trong quần thể di tích phủ Giày trắng xóa rác, giấy, đất và cành, lá, rễ cây. Các hàng rào và bờ dậu của người dân ven đường bị lật tung lên hoặc đạp bẹp dí. Xương trâu, xương bò, túi đựng đồ, vỏ trứng, quang gánh... vứt ngổn ngang.
Chưa hết, có rất nhiều du khách đi chợ Viềng, tham quan phủ Giày nhưng không hề biết gì về địa danh và các di tích nơi đây ngoài tâm niệm rất thực dụng là đi để cầu may mắn cho mình. Chúng tôi đứng ở cửa phủ Vân Cát (có cung đệ nhất thờ tượng "Tam tòa thánh mẫu") và hỏi 20 người liên tiếp đến đây dự phiên chợ Viềng thì thấy họ đều nói giống nhau là chưa biết gì về nơi này mà chỉ thấy mọi người nói là đi chợ Viềng sẽ gặp may nên kéo nhau đi. Trước khi đến chợ Viềng, thì trong suy nghĩ của họ, gọi là chợ thì chắc chỉ là nơi trao đổi hàng hóa.
Có thể nói rằng: đến 90% số người đi chợ Viềng không hiểu biết gì về chợ Viềng và quần thể di tích gắn liền với nó, đó là: phủ Giày. Chính vì không hiểu cho nên xảy ra lộn xộn. Người sau hỏi người đi trước, người không biết hỏi người chẳng biết gì. Cứ thế kéo nhau, đùn đẩy mà đi. Thấy đền thì vào lễ đền, thấy phủ vào lễ phủ. Tất cả chỉ mong cầu lấy được nhiều may, nhiều phúc mà chẳng biết mình đang thắp hương nơi đang thờ tự ai?
Đã thiếu thông tin về chợ Viềng, phủ Giày lại không có sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên, ban quản lý di tích, nên tất cả đều trong hoàn cảnh đi để ngắm và nhìn cho thỏa sự hiếu kỳ chứ không ai nghĩ đến sự tĩnh tâm trong chốn thờ phụng, tôn nghiêm hay sự văn minh trong giá trị văn hóa. Khắc phục tình trạng này, Ban Tổ chức cần bố trí thu lời hướng dẫn viên giới thiệu về mỗi di tích, địa điểm, đường đi, lối lại... để phát trên loa phóng thanh thay vì mở những bài hát truyền thống không gắn kết gì với di tích, chợ Viềng, phủ Giày. Du khách hiểu về di tích, nơi thờ phụng cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho họ thêm trân trọng nơi mình đến.
Chợ Viềng có thể diễn ra trong một tuần
Vẫn biết khắc phục được tính mùa vụ trong du lịch không phải là việc dễ dàng trong một sớm một chiều, nhưng kéo dài thời gian phiên chợ Viềng từ 01 ngày ra 3 - 5 ngày mà vẫn giữ được sự độc đáo là hoàn toàn có thể.
Thực vậy, nếu như tỉnh Nam Định và ngành Du lịch có hướng quy hoạch, kéo dài thời gian của phiên chợ Viềng bằng việc tuyên truyền cũng như bổ sung thêm phần hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo, đồng thời đưa quần thể di tích phủ Giày vào các điểm tham quan của các tour du lịch trong và ngoài Tỉnh thì chắc chắn chợ Viềng đã không bị giới hạn chỉ trong 01 ngày. Theo đó cũng đã hạn chế được phần nào về sự vội vàng, cập rập cho cả người mua, kẻ bán và người tham quan, du lịch.
Những người bán hàng ở chợ Viềng cả năm chỉ có 01 ngày họp, cho nên có được cái gì thì dù đắt rẻ cũng bán hết, tận thu. Những người dân ở đây biết rất rõ tâm lý của du khách: đã đến chợ Viềng thì chủ yếu đi cầu may, cầu tài chứ ngắm cảnh, vui chơi chỉ là phụ. Thêm nữa, du khách đã đi chợ Viềng là không thể không mua hoặc thịt bê hoặc cây cảnh (chủ yếu là cây lộc vừng, cây sung), với mong ước là: bê lộc về nhà.
Đánh đúng tâm lý này, nên các nhà vườn quanh vùng đã chuẩn bị trước đó cả một năm, nhưng chỉ bán trong 01 ngày. Do vậy mà cây cối không chọn lọc, người bán biết rõ là du khách mua cây là giải quyết vấn đề tâm lý chứ không cầu kỳ về dáng, thế của cây. Cho nên vì lợi đã có người sẵn sàng tạo ra cây không gốc chỉ có cành cắm vào đất hay dùng dây thép chằng đầu cây nọ với gốc cây kia, miễn là tạo ra được 01 cây (có dáng, có thế càng tốt) để bán cho khách. Họ cần số lượng cây chứ không quan tâm đến chất lượng cây. Chính vì điều này mà đã có không ít người mua phải cây chỉ có cành, hoặc cây có ngọn là sung, lộc vừng, nhưng gốc lại là cây khác.
Phiên chợ Viềng họp trong 01 ngày, nhưng có hàng vạn cây xanh được nhân rộng ra trồng. Nếu Ban Tổ chức biến ngày họp chợ Viềng thành ngày tết trồng cây thì đó là một việc làm thiết thực.
Hy vọng nếu kéo dài được thời gian họp chợ, lại được chính quyền tích cực đầu tư, xây dựng và có quy hoạch khoa học, thì chợ Viềng và quần thể di tích phủ Giày chắc chắn sẽ không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Nam Định.
MINH KHÔI