Lễ hội là nơi thể hiện rõ nhất sinh hoạt đời sống con người và những ước vọng tâm linh của cộng đồng. Hầu hết mỗi làng, xã nông thôn Việt Nam đều có một khoảng thời gian hội lễ để cùng nhau hướng về. Thông thường, chủ thể của mỗi lễ hội là con người đã được thần thánh hóa ví như thần thiên nhiên, thần lịch sử, thành hoàng, tổ nghề… như bà chúa Kho, hội đền Hùng, đền Đức thánh Trần. Đây là những người có công với dân, với nước, được tôn vinh, được thờ phụng. Ngoài ra, lễ hội còn gắn bó chặt chẽ với văn hóa, di tích, danh thắng, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, môi trường… của địa phương như hội Lim với nghệ thuật hát quan họ, hội chùa Hương để cầu phúc, cầu an, hội chợ Viềng với phong tục mua bán đồ cổ, cây cảnh cầu may... Cùng với những hoạt động tế lễ mang đậm tính nhân văn thì ở mỗi lễ hội còn có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian như múa rối, chèo, quan họ, vật, võ, thi đấu chọi gà, cờ tướng, cờ người… Có thể khẳng định, môi trường lễ hội chính là nơi giúp cộng đồng bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa một cách tốt nhất.
Tăng cường quản lý tổ chức lễ hội
Ngày 25/11/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 308/2005/QĐ - TTg ban hành Quy chế Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Quy chế Tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ - BVHTT của Bộ Văn hoá - Thông tin. Theo đó, Ban Quản lý di tích và Ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch dịch vụ hàng quán, không tạo kẽ hở nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, làm mất đi bản sắc văn hoá và ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của lễ hội. Không cho phép các hoạt động vui chơi có thưởng mang tính chất cờ bạc và dùng loa phóng thanh quảng cáo gây ồn, ảnh hưởng đến không gian lễ hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh những ấn phẩm văn hoá mê tín dị đoan, xóc thẻ, bói toán; chấn chỉnh hiện tượng nài ép, bắt chẹt khách, khấn thuê, đốt đồ vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng đến di tích, môi trường lễ hội… Trên thực tế, quá trình tổ chức lễ hội đã phát sinh vấn đề đấu thầu tổ chức dịch vụ phục vụ lễ hội. Trong khi đó, trong cả hai Quy chế tổ chức lễ hội và Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và tổ chức lễ hội không có điều khoản nào quy định cụ thể hành vi đấu thầu tổ chức dịch vụ phục vụ lễ hội có được phép hay không, và được phép thì phải thực hiện như thế nào.
Chính vì vậy, mới đây, Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi các Sở Văn hóa – Thông tin, yêu cầu ngăn chặn và loại bỏ ngay hiện tượng thương mại hóa lễ hội như: đấu thầu tổ chức, thu phí không hợp lý, lừa gạt khách tham quan... Tuy nhiên, thực tế diễn ra ở các lễ hội thì lại không tuân thủ theo một văn bản nào.
Đằng sau lễ hội, những vấn đề đáng quan tâm
Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng qua quan sát thực tế cho thấy, hầu hết các lễ hội đầu năm nay đều có số lượng du khách rất lớn, từ hội chùa Hương, đến hội Lim, đền bà chúa Kho, hội cầu may chợ Viềng, hội Yên Tử đều nườm nượp du khách. Chính từ sự quá tải này đã đặt ra hàng loạt vấn đề về giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn khách thăm quan đến duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội… Ở hội Lim một nhóm du khách ngoại quốc cố gắng len vào sân khấu để xem, chụp ảnh, quay phim đã bị bảo vệ mời ra ngoài vì quá đông trong khi một số người dân vẫn chen lấn vào trong, hàng ăn tràn lan ở khắp nơi, kể cả trong khu vực lễ hội, các trò chơi điện tử mang tính sát phạt vẫn sử dụng loa công suất lớn để gọi khách, hình ảnh các tốp hát quan họ dưới thuyền rồng xin tiền khách dự hội còn diễn ra. Đây chính là những sự việc tiêu biểu cho sự tiêu cực ở hội Lim mà phóng viên đã tận mắt chứng kiến. Sự đông đúc của khách hành hương cũng tạo cơ hội cho đạo trích hoành hành. Việc mất cắp điện thoại di động, túi xách, tiền, tư trang... diễn ra ở chùa Hương, hội bà chúa Kho vừa qua đã khiến nhiều du khách bất bình. Nạn cờ bạc dưới hình thức các trò chơi ném vòng cổ chai có thưởng, xóc đĩa, tôm, cua, cá, bầu, ném ống bơ, đập niêu, cắt dây, cờ thế… có thể dễ dàng bắt gặp ở khắp các lễ hội như chợ Viềng, hội Lim, hội Yên Tử. Trong lễ hội còn hiện tượng mê tín dị đoan như lên đồng, cầu cúng, bói toán, xóc thẻ, xin số, dịch vụ khấn thuê… Đặc biệt, ở hội bà chúa Kho, người khấn thuê đứng chật cả gian điện thờ khiến nhiều người dự hội không vào được. Tại chùa Hương, dịch vụ đổi tiền lẻ mọc lên ở hầu khắp các đường vào chùa với tỷ giá 10/6 (100.000 đồng đổi được 60.000 đồng loại 5.000 đồng) hay 10/7 (100.000 đồng đổi được 70.000 đồng loại 10.000 đồng). Riêng khoản ép giá khách hành hương thì chùa Hương vẫn “dẫn đầu” trong nhiều năm qua với 20.000 đồng/chiếc bánh mì patê; ngô luộc 3.000 đồng/bắp, trứng vịt lộn 10.000đồng/quả, 15.000đồng/lần gửi xe máy, 100.000đồng/ô tô…
Một số khuyến nghị để lễ hội thực sự trở thành hoạt động văn hóa du lịch
Lễ hội truyền thống với cả những điểm tích cực và tiêu cực đã và đang diễn ra trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư trên khắp mọi miền đất nước. Để lễ hội thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tiêu biểu của cộng đồng, một sinh hoạt văn hóa lành mạnh của người dân, thiết nghĩ vai trò quản lý của chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội là quan trọng nhất. Trong đó, vấn đề tiên quyết là phải tuân thủ quy chuẩn của nhà nước về việc tổ chức lễ hội, tránh hiện tượng khoán, đấu thầu tổ chức lễ hội; các hoạt động mê tín dị đoan… Bên cạnh việc tôn trọng chuẩn mực của lễ hội, đặc biệt là những nghi lễ cổ truyền, chính quyền địa phương cần có những quy định và chế tài cụ thể trong quá trình quản lý, tổ chức, sắp xếp các hoạt động dịch vụ phục vụ khách hành hương nhằm giảm thiểu những hiện tượng lệch chuẩn như đã nêu ở trên.
Tổ chức lễ hội là cách để các địa phương tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, do vậy cộng đồng địa phương phải được tham gia vào các hoạt động tế lễ, sinh hoạt văn hóa để họ tự thể hiện truyền thống của địa phương. Ban Tổ chức lễ hội cần hạn chế bớt sự tham gia của diễn viên chuyên nghiệp trong các hoạt động lễ hội, kịch bản hóa các chương trình dẫn đến các lễ hội “na ná” nhau, không nhấn mạnh được đặc trưng vốn có của từng lễ hội, thậm chí còn làm “biến dạng” lễ hội cổ truyền.
Công tác tuyên truyền quảng bá cũng cần được quan tâm để cộng đồng địa phương và khách hành hương hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội, tôn vinh và duy trì nét đẹp văn hóa trong quá trình dự hội, tiến tới loại bỏ các tệ nạn cờ bạc, bói toán, mê tín hiện vẫn đang diễn ra để lễ hội thực sự là một di sản quý do cha ông để lại; đồng thời, lễ hội sẽ trở thành điểm văn hóa du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước./.
LÊ HẢI