Tuy nhiên, hiện nay du lịch Kim Bôi còn gặp không ít những khó khăn. Cùng với xu hướng mở rộng du lịch của Việt Nam, cần quan tâm tới vấn đề liên kết các hoạt động du lịch trong khu vực nhằm tạo cho Kim Bôi một lợi thế, một hướng đi mới trong phát triển du lịch.
Hoạt động du lịch của huyện Kim Bôi còn nhiều bất cập
Trước đây, du khách đến Kim Bôi chủ yếu thông qua khu du lịch suối khoáng. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây Kim Bôi đã phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch và đã hình thành nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: V-Resort; Thác Bạc Long Cung; khu mộ cổ, thác mặt trời… Trong thời gian tới, huyện đang có thêm một số dự án như: Rừng nguyên sinh Thượng Tiến, đầm Quèn Thị,...Nếu năm 2006, Kim Bôi mới chỉ đón khoảng 66.000 lượt khách, thì năm 2013 có 81.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, và tăng lên đến 90.000 lượt khách tham quan du lịch năm 2014.
Tuy lượng khách đến Kim Bôi ngày một tăng ngành Du lịch của huyện vẫn còn gặp không ít những khó khăn, đó là: Sự gắn kết các điểm du lịch thành các tua, tuyến còn hạn chế.
Trong một cuộc khảo sát tại 5 điểm du lịch của Kim Bôi là khu suối khoáng, V-Resort; Thác Bạc Long Cung; khu mộ cổ Đống Thếch, thác Mặt Trời thì 100% ý kiến đều trả lời chưa có kết nối các điểm du lịch của huyện với nhau; chưa có sự giới thiệu điểm du lịch... Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. Ngoài rượu cần, cơm lam các sản phẩm du lịch của huyện còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa khai thác được hết bản sắc văn hóa của các dân tộc.Nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch chưa đồng bộ. Năm 2013, toàn huyện có 1 khách sạn và 27 nhà nghỉ. Các nhà nghỉ đều đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, 2 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao và đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng quy mô phục vụ. Tuy nhiên theo đánh giá của khách du lịch thì cơ sở vật chất tại các điểm của huyện Kim Bôi đều ở mức trung bình trở xuống ngoại trừ khu V-Resort. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ của huyện cũng là một hạn chế trong đó nổi bật nhất là 70% ý kiến được hỏi cho rằng dịch vụ thông tin liên lạc ở mức trung bình; 83% ý kiến cho rằng dịch vụ bán hàng lưu niệm ở mức kém; Giao thông, vận chuyển, đón tiếp cũng chưa được đánh giá cao. Chính vì thế lượng khách lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng lượt khách đến. Trình độ, năng lực đội ngũ những người làm công tác du lịch còn hạn chế. Lao động làm việc trong các khu du lịch hầu hết là những lao động con em địa phương. Mặc dù số lượng tăng nhưng chất lượng lao động lại là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện. Hiện nay, số lao động đã qua đào tạo về du lịch có chuyên môn nghiệp vụ là rất ít. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng lao động trong các khu du lịch vẫn còn rất yếu về chuyên môn và trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được thị trường khách đặc biệt là khách quốc tế. Công tác thông tin quảng bá về du lịch chưa được chú trọng đúng mức 60% số du khách được hỏi biết thông tin về điểm du lịch chủ yếu là từ bạn bè và người thân giới thiệu. Còn lại là nguồn thông tin mà du khách biết đến thông qua đại lý du lịch, sách hướng dẫn du lịch hay mạng internet. Như vậy, hoạt động trong phát triển du lịch của huyện còn nhiều hạn chế. Đặc biệt vấn đề liên kết trong hoạt động du lịch của huyện Kim Bôi còn chưa được đề cập tới.
Tăng cường liên kết phát triển du lịch Kim Bôi
Liên kết hợp tác sẽ tạo ra sản phẩm mới, sức mạnh mới, đa dạng, hấp dẫn hơn, kéo dài số ngày lưu trú của khách...Vì vậy, để nâng cao hoạt động liên kết trong du lịch cần xem xét một số vấn đề sau. Cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành, thành lập hiệp hội du lịch. Huyện cần phối hợp với các địa phương liên quan để có một cơ chế liên ngành, liên vùng phù hợp và hiệu quả. Đồng thời nên thành lập hiệp hội du lịch. Vì hiệp hội du lịch được coi như một “nhạc trưởng” của vùng, làm công tác kích cầu, kết nối, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá…Công tác liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch. Cần xây dựng website quảng bá du lịch chung của huyện, đồng thời liên kết với các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch để quảng bá các điểm du lịch. Hợp tác với các hiệp hội, ngành nghề du lịch để vừa quảng bá thông tin, vừa học tập trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động du lịch. Liên kết chia sẻ trong đào tạo nhân lực, khai thác phát triển du lịch. Nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch đang là một hạn chế của du lịch Kim Bôi. Vì vậy huyện cần phối hợp với các cơ sở đào tạo dạy nghề của tỉnh Hòa Bình, Hà Nội để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch cho các lao động đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch của huyện.
Phối hợp, xây dựng các tour, tuyến, các điểm du lịch, quy hoạch chi tiết hướng phát triển du lịch
Huyện Kim Bôi cần đẩy mạnh khai thác kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch với các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó cần phát triển các tuyến và liên kết với các địa phương khác để phát triển du lịch như Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn La,…
Các nhóm sản phẩm nên phát triển trong khu vực này bao gồm:
Nhóm các tour mang tính giáo dục, diễn giải: Nhà trưng bày mẫu vật, tranh ảnh, chiếu phim tư liệu; các điểm ngắm phong cảnh thiên nhiên; tour thăm các di tích cách mạng, các làng dân tộc, các hoạt động văn hóa bản địa; tour tham quan các loại động, thực vật đặc hữu.
Nhóm các tour mang tính khám phá: Các tour trekking(đi bộ trong rừng) ngắn và dài ngày theo các tuyến đường mòn; các tour xe đạp ngắn; các hoạt động nước tại khu suối khoáng ; tour tham quan phong cảnh và văn hóa bản địa,
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tại các điểm du lịch của huyện, các sản phẩm còn nghèo nàn, đơn điệu. Vì vậy, huyện cần nghiên cứu kết hợp các điểm lại để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc quê hương Mường Động.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đình Hiền, Liên kết phát triển du lịch các tỉnh DHMT, Kinh tế và dự báo số 23, 2012.
2. Hương Lan, 2015, Huyện Kim Bôi tìm giải pháp khai thác tiềm năng phát triển du lịch hòa bình, báo Hòa Bình .
3. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Trần Thị Tuyết, 2008, nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tại Kim Bôi, Hòa Bình, Luận văn thạc sĩ trường Đại học Nông nghiệp.
Trần Thị Tuyết