Liên kết phát triển du lịch giữa Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La với Trung tâm thành phố Sơn La và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên và lãnh đạo UBND thành phố Sơn La, Sở VHTTDL Sơn La, đại diện UBND các huyện, các ban quản lý, các trường đào tạo du lịch của Sơn La, các doanh nghiệp du lịch và cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Sơn La là một vùng núi non hùng vĩ cùng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc; khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên phong phú và hấp dẫn; rừng nguyên sinh thu hút du khách tìm hiểu và khám phá; hệ thống hang động được thiên nhiên ban tặng nhiều bí ẩn… Sơn La có 12 dân tộc anh em đã và đang bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, được trao truyền, bồi đắp qua các thế hệ. Kiến trúc nhà ở các dân tộc độc đáo. Miền đất có nhiều lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống dệt và thêu thổ cẩm; nghề rèn công cụ sản xuất, nghề trạm trổ, nghề đan mây tre, ẩm thực dân tộc ngon phong phú, hấp dẫn. Đến Sơn La, du khách còn có dịp trải nghiệm các phiên chợ vùng cao; thăm di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; đền vua Lê Thái Tông; tháp cổ Mường Và, hang A phủ; hang Dơi, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, Linh sơn thủy từ – đền thờ nàng Han, công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, cầu Pá uôn có trụ cột cao nhất Việt Nam, quảng trường Tây Bắc…
Mặc dù có tiềm năng du lịch, Sơn La vẫn chưa được biết đến là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Liên kết tour, tuyến giữa 3 vùng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch Biển hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch thành phố Sơn La còn yếu, nghèo hình thức, thiếu chuyên nghiệp, thiếu chiến lược, thiếu sự kết nối, hiệu quả thấp. Sản phẩm du lịch đang trong giai đoạn hình thành, thử nghiệm, nên hiện nay tỉnh Sơn La chưa có một khu, điểm, bản du lịch nào hoàn thiện, đủ điều kiện đạt chuẩn theo quy định. Cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước) còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được sự phát triển và nhu cầu đi lại của du khách. Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Dó đó, khai thác tiềm năng du lịch Sơn La theo hướng liên kết các vùng du lịch trong tỉnh là yêu cầu cần thiết, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao về tiềm năng du lịch của Sơn La và tập trung thảo luận một số giải pháp kết nối du lịch 3 vùng để phát triển du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác các sản phẩm du lịch tiềm năng, thế mạnh, đủ sức hấp dẫn du khách đến tham quan. Xác định sản phẩm đặc sắc ở từng địa phương, từng vùng trong liên kết, kết nối, hợp tác. Khai thác các tiềm năng, thế mạnh, như: du lịch trải nghiệm nông nghiệp; phát triển du lịch tham quan, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ cuối tuần; điều dưỡng chữa bệnh gắn với tắm suối khoáng nóng; du lịch khám phá, thể thao: bơi thuyền, thăm hang động; tổ chức các hoạt động câu cá, thưởng thức món ăn dân tộc chế biến từ sản phẩm thủy sản tại lòng hồ để thu hút du khách; trải nghiệm các hoạt động tại các lễ hội truyền thống trong năm…Khai thác nhiều tuyến du lịch mang tính phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các vùng; việc hợp tác kết nối trong lĩnh vực du lịch được thực hiện theo cả hai chiều, khách du lịch đến Mộc Châu sẽ được kết nối với Thành phố Sơn La, hồ thủy điện Sơn La và ngược lại.
Để kết nối phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai với Trung tâm thành phố Sơn La và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, cũng như các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh ngày càng hiệu quả hơn, theo ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cần tiếp tục tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch theo hướng đồng bộ; tích cực mời gọi, ưu tiên các thành phần kinh tế có tiềm lực, kinh nghiệm, trình độ quản lý tham gia đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm trên vùng lòng hồ; ưu tiên các dự án đầu tư phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục huy động triệt để nguồn lực tài chính trong nhân dân, tiềm lực tài chính của các tổ chức trong và ngoài tỉnh để đầu tư tại vùng lòng hồ thủy điện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; khuyến khích việc đóng góp từ thu nhập du lịch cho các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hoá...
Để thành phố Sơn La trở thành điểm hấp dẫn trọng điểm của tỉnh Sơn La, vùng Tây Bắc theo ông Nguyễn Trung Khải, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La chia sẻ, sự kết nối của 3 trung tâm du lịch trên tạo nên trục không gian phát triển du lịch chính của Sơn La dọc quốc lộ 6 và dọc theo lòng hồ Sông Đà tạo nên sự hấp dẫn của du lịch Sơn La. Đây là cụm du lịch trung tâm, có vị trí là trung tâm điều hành và cung ứng dịch vụ du lịch của Sơn La. Đặc biệt tuyến đường 6 đóng vai trò chủ chốt đối với tuyến du lịch kết nối Hà Nội và vùng núi Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu), đảm nhiệm chức năng lưu trú, là trạm dừng chân quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia này.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ một số giải pháp về việc tiến hành lập các quy hoạch khu, điểm du lịch trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch vùng long hồ. Tích cực mời gọi, ưu tiên các thành phần kinh tế có tiềm lực, kinh nghiệm, trình độ quản lý tham gia đầu tư vào các khu, điểm du lịch tiềm năng; đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch. Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thành tour, tuyến liên kết 3 vùng; hình thành kết nối tour, tuyến liên tỉnh; hình thành và tổ chức sự kiện du lịch mô hình mới theo hình thức từng khu vực luân phiên đăng cai tổ chức để thu hút khách du lịch trong năm; đầu tư và hoàn thiện hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, điểm xử lý rác thải đảm bảo môi trường thuận lợi thu hút khách du lịch.
Phát biểu kết luận hội thảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La Hoàng Ngân Hoàn cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo, đồng thời khẳng định trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La sẽ triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, liên kết phát triển du lịch và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Thanh Hiền