Khẳng định sự quan tâm của các cấp, ngành
Tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi. Hội nghị còn có sự tham dự của Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại Du lịch, Hiệp hội du lịch 8 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang cùng gần 200 doanh nghiệp lữ hành cả nước và Thanh Hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác, thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, phải kể đến các hoạt động liên kết, hợp tác trong tuyên truyền, xúc tiến quảng bá và kêu gọi đầu tư giữa 4 tỉnh Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và Bắc Trung Bộ mở rộng; hợp tác phát triển khu vực Tây Bắc mở rộng; liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long... “Thời gian qua, Thanh Hóa đã đón nhiều đoàn các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí trong cả nước đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch. Qua đó, quảng bá sâu rộng hình ảnh “Hương sắc bốn mùa” của du lịch xứ Thanh đến gần hơn với du khách. Nhiều tour, tuyến mới đã được hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến tham quan, trải nghiệm” - Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Thi khẳng định, nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng đến hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, vấn đề hợp tác, liên kết tour, tuyến trong phát triển du lịch là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả và là xu thế tất yếu hiện nay. Để triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Thi, với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ; đặc biệt là nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn đã được đầu tư và sẽ sớm đi vào hoạt động, du lịch Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước. “Để đạt được điều đó, tỉnh Thanh Hóa mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong cả nước” - Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Thi đề nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023 là sự kiện phù hợp, thể hiện sự quyết tâm, năng động của du lịch Thanh Hóa nhằm xây dựng chuỗi sản phẩm, tour, tuyến có sức cạnh tranh, cùng phát triển. Sự kiện này được tổ chức sau đúng 3 tháng diễn ra Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” và sau 1 tháng Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ được ban hành về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. “Nhiều nội dung thảo luận tại Hội nghị sẽ mang tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng phát triển nhanh và bền vững” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trong chuỗi liên kết cần tìm ra thế mạnh giữa các địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy liên kết hiệu quả. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; cần tìm ra thông điệp phù hợp trong mỗi hành trình liên kết; xây dựng sản phẩm phù hợp với xu hướng... góp phần thúc đẩy du lịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Tạo sức hấp dẫn cho du lịch Thanh Hóa
Bên cạnh việc tăng cường liên kết, hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch, thời gian qua, Thanh Hóa đã có sự đầu tư, đổi mới nhiều điểm đến, sản phẩm, thu hút du khách đến khám phá trải nghiệm. Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết, Bá Thước là huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông rộng 17.000ha với nhiều điểm tham quan đẹp, hoang sơ, có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái. Bá Thước cũng có văn hóa cộng đồng các dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc, cùng với nét ẩm thực độc đáo… “Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, Bá Thước đã và đang chú trọng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử, di tích khảo cổ; xây dựng các tour du lịch sinh thái sông, hồ kết hợp với tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tìm hiểu văn hóa bản địa cộng đồng dân cư; du lịch sinh thái kết hợp khám phá, trải nghiệm; du lịch ẩm thực...” - ông Lò Văn Thắng chia sẻ.
Tại Hội nghị, các đại biểu, các doanh nghiệp đều cho rằng Thanh Hóa có sự đa dạng của các loại hình du lịch; Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm đến sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp Thanh Hóa với doanh nghiệp các địa phương. Chính điều này đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho du lịch xứ Thanh. Qua khảo sát thực tế, nhiều ý kiến cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập ở một số khu, điểm du lịch; đồng thời, đề xuất những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đưa khách đến Thanh Hóa. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Công ty TNHH Du lịch lữ hành Đông Nai cho rằng nhiều điểm ở Thanh Hóa rất đẹp, hấp dẫn; nổi bật là suối cá thần ở Cẩm Thủy. Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, cần quan tâm hơn đến việc khách cho cá ăn và vệ sinh môi trường, rác thải xung quanh. Giám đốc Công ty CP Airgogo Travel Nguyễn Trần Khoa lại ấn tượng về tour ngược sông Mã, được khám phá nhiều di tích, cảnh quan, không gian xanh hai bên dòng sông Mã cùng cây cầu Hàm Rồng lịch sử. Ông Khoa kiến nghị địa phương cần quan tâm hơn nữa việc thu gom rác thải và nhà vệ sinh dành cho du khách tại bến tàu đón khách đi tham quan.
Đánh giá cao những kết quả du lịch Thanh Hóa đạt được thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, trong bối cảnh khôi phục và tăng tốc du lịch hậu COVID-19, Thanh Hóa cần chú trọng đẩy mạnh việc trao đổi khách giữa các địa phương; chọn các trung tâm phân phối khách để thúc đẩy liên kết, hợp tác. Cũng theo ông Vũ Thế Bình, Thanh Hóa cần lựa chọn sản phẩm để liên kết với các địa phương, góp phần nâng giá trị tour và hấp dẫn du khách. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hoá khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu; hướng đến thu hút đa dạng thị trường khách, trong đó chú trọng thị trường khách quốc tế từ ASEAN và Đông Bắc Á.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch cùng doanh nghiệp Thanh Hoá đã ký kết biên bản hợp tác phát triển, khai thác các tour, tuyến du lịch với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội, Hội Lữ hành G7 TP. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp du lịch trong nước. Trước đó, trong các ngày từ 13-14/6, Thanh Hóa đã tổ chức đoàn khảo sát báo chí, doanh nghiệp khảo sát, trải nghiệm một số sản phẩm, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Tour “Ngược xuôi sông Mã”; city tour Thanh Hóa; khu di tích lịch sử Lam Kinh; thành Nhà Hồ; suối cá Cẩm Lương; khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông; khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn; khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến...
|
Tuấn Sơn