Tại Hội thảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái đã báo cáo tổng quan về thực trạng và định hướng phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Yên Bái trong thời gian tới. Theo đó, Yên Bái là một tỉnh nằm ở vị trí thuận lợi về phát triển du lịch, có hệ thống tài nguyên du lịch đặc thù để phát triển sản phẩm du lịch. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng với những sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính hấp dẫn. Thời gian qua, lượng khách du lịch đến Yên Bái tăng trưởng khá về quy mô số lượng; doanh thu du lịch Yên Bái đều tăng trưởng qua các năm, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong sự phát triển của Yên Bái. Năm 2022, Du lịch Yên Bái đón và phục vụ 1.589.000 lượt khách (vượt 44,4 % kế hoạch năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), trong đó khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt; doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng (vượt 30,2% kế hoạch năm, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021). Trong 5 tháng đầu năm 2023, Du lịch Yên Bái ước đón 901.565 lượt khách (đạt 60,1% so với kế hoạch cả năm, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm2022), trong đó khách quốc tế 30.320 lượt khách (đạt 20,2% so với kế hoạch cả năm); doanh thu du lịch ước đạt 724,2 tỷ đồng (đạt 53,6% so với kế hoạch cả năm, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm 2022).
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Yên Bái vẫn còn nghèo, quy mô nhỏ; việc quản lý, khai thác tài nguyên, năng lực tổ chức, phát triển sản phẩm du lịch chưa cao. Lượng du khách đến Yên Bái dù tăng trưởng hàng năm nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức độ sử dụng các dịch vụ hạn chế; hạ tầng du lịch và các dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế nguồn lực du lịch vốn có. Sản phẩm du lịch vẫn mang tính mùa vụ; các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư; đến nay, chưa hình thành được sản phẩm du lịch MICE; sản phẩm nghỉ dưỡng ven hồ Thác Bà đã hình thành nhưng chưa đạt giá trị cao...
Thời gian tới, Yên Bái sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, trong đó chú trọng định hướng và phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu tại 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy (gồm huyện Yên Bình, Lục Yên); vùng du lịch TP. Yên Bái và phụ cận (gồm TP. Yên Bái và phía Nam huyện Trấn Yên); vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải); vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên.
Tại Hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp đã chia sẻ ý kiến về định hướng, phát triển các sản phẩm du lịch; tiếp cận thị trường khách quốc tế; hướng phát triển du lịch cộng đồng... góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Yên Bái.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đối với các hoạt động du lịch Yên Bái thời gian qua, sự chủ động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái trong việc tổ chức chương trình khảo sát và Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch nhằm giới thiệu về miền đất, con người Yên Bái tới các hãng lữ hành, khách du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục trưởng cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, cả nước đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 57,5% kế hoạch năm; phục vụ 350 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 267 nghìn tỷ đồng. Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với nhiều nội dung mới, thiết thực; thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng ngành Du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững. “Đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới” - Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Để Du lịch Yên Bái phát triển đi vào chiều sâu, có hiệu quả ngay trong năm 2023 và những năm tới, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch, tạo điều thuận lợi cho du lịch Yên Bái phát triển; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục v��� du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu điểm du lịch. Tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, thu hút đầu tư tiềm năng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái chủ trì, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn; chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”. Quan tâm đầu tư, phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, mở rộng thị trường nội địa với các địa phương phía Nam; từng bước khai thác thị trường khách du lịch quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, cách giao tiếp, ứng xử trong du lịch...; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Tổng cục trưởng đồng thời đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các cơ quan báo chí, truyền thông hỗ trợ, đồng hành cùng Yên Bái trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch; hỗ trợ công tác quảng bá, chào bán các sản phẩm du lịch; cùng tham gia góp ý, hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để Du lịch Yên Bái ngày càng hoàn thiện, phát triển, mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho du khách.
“Tổng cục Du lịch cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ du lịch Yên Bái nhằm tận dụng tốt những cơ hội, đón đầu xu hướng du lịch trên thế giới. Tin tưởng rằng, sau Hội thảo, những ý kiến, những giải pháp thiết thực sẽ được Lãnh đạo tỉnh Yên Bái quan tâm, đưa các kế hoạch của ngành Du lịch Yên Bái đi vào thực tế đúng với phương châm đặt ra tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, đó là “sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường vệ sinh sạch đẹp - điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện”” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến hoạt động ra mắt thí điểm Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Yên Bái. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái và Sở Du lịch Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An cùng đại diện các đơn vị kinh doanh lữ hành cũng đã ký kết liên kết phát triển sản phẩm du lịch. Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cũng đã tổ chức chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch Yên Bái.
Đình Phong