Con đường rải nhựa quanh co như sợi chỉ vắt qua các sườn núi và những cánh rừng tươi xanh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Những làn sương mỏng bồng bềnh càng tô thêm vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ của bản làng núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Dòng Nậm Việc trong xanh vẫn rì rào tuôn chảy qua những thác ghềnh hùng vĩ, những bãi đá thơ mộng nằm rải rác đôi bờ, những bản làng và mái nhà sàn soi bóng, thấp thoáng đâu đó hình ảnh những người phụ nữ Thái cần mẫn xúc cá, bắt tôm… Sự quyện hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống con người đã tạo nên nét quyến rũ của vùng đất này.
Đến nay, người Thái ở Na Xái và Hủa Mương không còn ai nhớ rõ thời điểm khai bản, lập mường, chỉ biết Mường Đán có từ rất xa xưa, hàng chục thế hệ người Thái đã cư trú trên vùng đất này. Tương truyền, hơn 300 năm trước, tổ tiên của họ ở vùng Lai Châu, Điện Biên do thiếu đất cư trú và nương rẫy phải đi tìm những vùng đất mới để khai phá lập bản, dựng mường, sinh cơ lập nghiệp. Họ chia thành từng nhóm có quan hệ họ hàng, huyết thống lần bước theo đường biên giới Việt - Lào, rồi đặt chân lên vùng miền Tây Nghệ An. Đến vùng giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa, một nhóm người Thái Thanh xuôi theo dòng Nậm Việc và tìm được một thung lũng không rộng lớn nhưng màu mỡ. Ở đó có khe suối và bãi lầy, núi rừng cũng không quá cheo leo, hiểm trở để khai hoang. Nhóm người quyết định dừng chân khai bản, dựng nhà. Chẳng bao lâu, cộng đồng người Thái đã biến nơi đây thành bản làng trù phú với những ngôi nhà khang trang cùng những khu rừng quế bạt ngàn, những thửa ruộng bậc thang màu mỡ và gọi tên nơi này là Mường Đán.
Những ngôi nhà sàn ở đây được dựng theo lối kiến trúc cổ, trong đó phần lớn mái lợp bằng gỗ sa mu. Ở nhiều bản người Thái khác, rất ít nơi dùng ván gỗ sa mu lợp nhà bởi loại gỗ này được xem là bản sắc của cộng đồng người Mông. Vì thế, những mái nhà sa mu ở Mường Đán có thể xem là một nét đặc biệt, đủ để khơi gợi sự tò mò cho những vị khách miền xuôi. Có điều, người Thái thường xẻ tấm gỗ nhỏ và ngắn hơn, khi lợp lên mái rất ngay hàng, thẳng lối.
Người Mường Đán rất đỗi hiếu khách, họ thường trao gửi những nụ cười thân thiện, những cái nắm tay nồng ấm và lời chào mời chân tình. Từ xa xưa, phụ nữ Mường Đán nổi tiếng với nghề trồng bông, dệt vải. Sản phẩm dệt thổ cẩm của Mường Đán thường mịn, bền, đường nét hoa văn khá tinh xảo. Qua mấy trăm năm, người Mường Đán vẫn giữ được nghề cổ truyền. Trước hiên nhà sàn của họ không lúc nào vắng bóng chiếc khung cửi, tiếng thoi đưa lách cách, tiếng cười nói rộn ràng.
Mường Đán là tên gọi ngày xưa, nay tách thành Na Xái (hơn 120 hộ) và Hủa Mương (gần 80 hộ), hai bản cách nhau một con dốc. Người vùng khác vẫn thường gọi nơi đây là Mường Đán. Người Na Xái, Hủa Mương dù đi đâu vẫn thường nói nhà mình ở Mường Đán. Có lẽ, tên gọi thân thương ấy đã in đậm trong ký ức, ẩn chứa niềm tự hào của những cư dân nơi thượng nguồn dòng Nậm Việc.
|
Khi những ánh sáng cuối cùng trong ngày dần tan hòa vào màn đêm là lúc mọi người kết thúc công việc thường ngày. Già, trẻ, gái, trai lại quây quần quanh bếp lửa để thưởng thức những món ăn đặc trưng của núi rừng: xôi nếp, chẻo cá, gà nướng, măng đắng, canh ột… và những chum rượu cần ngọt lịm, ấm nồng. Lúc này những làn điệu dân ca như khắp - lăm - nhuôn - xuối ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước lại vang lên hòa cùng tiếng cồng, chiêng, khèn, pí…
Dù thời gian trôi đi nhưng Mường Đán vẫn lưu giữ được nét bản sắc truyền thống của văn hóa Thái từ không gian sinh tồn đến ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc, phong tục tập quán. Đó là những yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần quảng bá nét đẹp quê hương.
Bài & ảnh: Phạm Tuân
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)