Định hướng phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo
Báo cáo kết quả phát triển Du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng khách du lịch bình quân đến Hà Nội đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước. Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, đến năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng. Đến năm 2019 ngành Du lịch đã đóng góp 12,54% vào GRDP của Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch Thủ đô đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại rất lớn, các chỉ tiêu phát triển du lịch năm 2020 đều sụt giảm mạnh (khách du lịch giảm 70%, tổng thu từ khách du lịch giảm 73%, công suất bình quân khối khách sạn giảm 38% so với năm 2019), trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.
Thực trạng trên cho thấy du lịch Hà Nội vẫn còn những điểm yếu về phát triển bền vững, sản phẩm du lịch tuy đa dạng nhưng còn thiếu sự hấp dẫn và tính cạnh tranh… Vì vậy, bà Đặng Hương Giang mong muốn hội thảo sẽ là dịp các đại biểu, chuyên gia đóng góp ý kiến xây dựng để phát triển du lịch an toàn, thích ứng với điều kiện bình thường mới, có những thay đổi linh hoạt để du lịch Thủ đô ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Trước những vấn đề đặt ra, bà Đặng Hương Giang cho biết 7 nhóm giải pháp sẽ được triển khai để phát triển du lịch Thủ đô trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường khách du lịch; Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã góp ý nhằm tìm giải pháp phục hồi ngành Du lịch Thủ đô trong tình hình mới. Trong đó, cơ cấu lại sản phẩm du lịch là 1 trong 7 giải pháp trọng tâm của Hà Nội để thích ứng với tình hình mới và đáp ứng mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, Hà Nội cần cơ cấu lại sản phẩm du lịch trước tình hình mới, khi thói quen của du khách thay đổi theo hình thức du lịch tự túc, nhóm nhỏ, gia đình. Bàn về định hướng lại thị trường khách du lịch - hướng đi mới nhằm phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam và du lịch Hà Nội trong thời gian tới, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nêu rõ những thay đổi của thị trường khách, và đưa ra đề xuất giải pháp trước mắt tập trung phục hồi du lịch nội thành và nội địa.
Ở vai trò doanh nghiệp, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng cho rằng, phục hồi du lịch Hà Nội thời gian tới cần tận dụng cơ hội xu hướng tiêu dùng của du khách tăng sau đợt giãn cách, qua đó đề xuất các doanh nghiệp tăng trải nghiệm để khách hàng chi tiêu chứ không khuyến khích giảm giá.
Liên quan tới nguồn nhân lực du lịch, TS. Nguyễn Văn Lưu đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, đa dạng hóa công tác đào tạo du lịch để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch Hà Nội, trong đó có kiểm kê lại lực lượng lao động, vừa đào tạo chính quy trong cơ sở giáo dục du lịch vừa đào tạo bồi dưỡng, đào tạo truyền nghề tại chỗ.
Để tập trung phục hồi du lịch Thủ đô, Phó Chủ tịch Ban Cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến cho rằng: Trong giai đoạn từ nay đến 2025 và tiếp theo, Du lịch Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã có với lợi thế là du lịch di sản văn hóa; bên cạnh đó chọn một số làng nghề tiêu biểu để nâng cấp; nâng cấp chất lượng các tuyến phố đi bộ; nâng cấp hạ tầng du lịch, chỉnh trang cảnh quan chung của thành phố, đặc biệt các quận nội thành và tuyến phố cổ; điểm đỗ dừng xe tour tuyến du lịch; quy hoạch hệ thống nhà vệ sinh công cộng…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp về mô hình hợp tác công - tư, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch giáo dục di sản gắn với định hướng phát triển du lịch học đường…; bên cạnh đó hướng tới pháp triển bền vững cần tìm hiểu thị trường và có dữ liệu có tính thống kê, quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nội…
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh vui mừng trước những kết quả rất quan trọng ngành Du lịch Thủ đô đạt được thời gian qua với mức tăng trưởng các chỉ tiêu du lịch đạt đồng đều, đã hoàn thành chỉ tiêu trước 2 năm. Trước bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 tác động, với 7 nhóm giải pháp đã được nêu, trong đó Du lịch Hà Nội cần nhấn mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò của ngành Du lịch, có đánh giá nhìn nhận du lịch trong cơ cấu ngành kinh tế của đất nước. Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn của cả nước, để đáp ứng tiêu chí du lịch Hà Nội an toàn, thân thiện, hấp dẫn, Hà Nội cần quan tâm khai thác các giá trị văn hóa tạo ra các sản phẩm đặc trưng du lịch Thủ đô, tạo sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm đã có; cơ cấu lại thị trường, thu hút người dân các tỉnh tới Hà Nội; đặc biệt tăng cường chuyển đổi số đáp ứng xu thế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sau hội thảo, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến để hoàn thiện dự thảo “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” và đưa vào dự thảo “Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” trình UBND thành phố Hà Nội, cùng đóng góp xây dựng và phục hồi du lịch thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.
Hạ Tinh