Hành trình về vùng xanh …
Chuyến Famtrip Bình Liêu chủ đề “Hành trình kết nối vùng xanh” với sự tham gia của 40 doanh nghiệp lữ hành được tổ chức tại thời điểm này cho thấy quyết tâm cao của huyện Bình Liêu và ban lãnh đạo Hanoi Tourism đối với việc thúc đẩy du lịch Bình Liêu bứt phá. Với vai trò là đầu mối kết nối, các cuộc họp, văn bản, điện thoại giữa CEO Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần với các bên liên quan để triển khai “nhiều không đếm xuể”; rồi cam kết trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố cùng vô vàn những việc không tên khác, nhưng cô không coi đó là áp lực. Hơn thế, bằng sự lan tỏa tinh thần tích cực, nữ CEO xinh đẹp, trẻ trung năng động của Hanoi Tourism đã “thắp” lên ngọn lửa cảm hứng cho tất cả thành viên trong đoàn khảo sát, ngay cả trong trường hợp chương trình buộc phải hủy do những phát sinh ngoài dự kiến, thậm chí khả năng xấu hơn nữa là “cả đoàn đi an dưỡng”, mọi người xác định vẫn “vui như tết”…
Khí thế là vậy, nhưng khi tới cửa ngõ ra vào tỉnh Quảng Ninh, khâu kiểm tra cực kỳ chặt chẽ khiến ai nấy đều căng thẳng, mặc dù tất cả đều đáp ứng các tiêu chí cần thiết. Thêm vào đó, khâu xét nghiệm bắt buộc bằng phương pháp test nhanh khi xe tới huyện Bình Liêu cũng làm nhiều thành viên lo lắng.
Mọi mệt nhọc, lo ngại tan biến khi cơ quan Y tế Bình Liêu thông báo kết quả test nhanh "đảm bảo an toàn 100%" cho đoàn. Lúc đó, Ngần mới thở phào, nét mặt nhẹ nhõm trông thấy…
Khả năng hài hước của anh Hoàng Sằn, cán bộ phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Liêu khiến cả đoàn cười “không nhặt được mồm”, dù nhiều người vẫn đang nước mắt nước mũi giàn giụa do vừa bị “ngoáy mũi”…
Là người con của Bình Liêu, Sằn thông thuộc địa hình như lòng bàn tay. Học Sư phạm, “cắm bản” dạy học rồi được cử lên huyện làm công tác thông tin, Sằn bảo “vui có, buồn cũng có”. Nhớ những đêm lũ về bất chợt, nghe tiếng ầm ầm phía thượng nguồn, trời tối đen như mực, một mình xoay xỏa đưa đám học trò nhỏ xíu chạy lũ; rồi những hôm tình cờ qua thôn bản, đám học trò khi xưa nay đã lộc ngộc, trêu thầy “Ô! Cái thày giáo ‘mất dạy’ rồi”…
Hoàng Sằn là một trong những người đầu tiên làm homestay tại Bình Liêu nhờ sự gợi ý của các “phượt thủ”, câu slogan huyền thoại “trung tâm chém gió xuyên lục địa” mà anh “sáng tác” cũng là nhờ dân “phượt”. Dù không phải là hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhưng Sằn giới thiệu rất “có nghề”, lôi cuốn người nghe bởi những chi tiết thú vị xung quanh thác Khe Vằn (xã Húc Động) - điểm đầu tiên trong hành trình khám phá Bình Liêu.
“Bình Liêu có tới 96% là dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, người Dao Thanh Phán, người Dao Thanh Y, người Sán Chỉ, người Kinh chỉ chiếm 4%..., bản sắc văn hóa nguyên sơ, độc đáo, chằng hạn như bóng đá nữ với trang phục truyền thống cũng là một nét riêng chỉ ở Sán Chỉ mới có”, anh nói khi cả đoàn tới sân vận động xã Húc Động, chuẩn bị cho chương trình giao lưu bóng đá giữa các nữ doanh nhân du lịch với đội bóng nữ Sán Chỉ. Đây là điểm nhấn trong hành trình, nên sự phấn khích thể hiện rõ trên từng gương mặt, cho dù chị em du lịch có người chưa từng một lần chạm chân vào quả bóng, nhưng vẫn nhất quyết “đòi” vào sân thi đấu; những pha tranh bóng đầy quyết liệt, lăn xả; những tình huống hài hước chưa từng có thể hiện “đẳng cấp” của phái nữ ở bộ môn túc cầu khiến cả sân có những trận cười nghiêng ngả...
…Dẫu chưa thể khám phá được núi Cao Xiêm, Pắc Cương, Khe Vằn, Ngàn Chi, đỉnh Cao Ly, Cao Ba Lanh linh thiêng; chưa được hòa mình vào không khí lễ hội giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn, nhưng những trải nghiệm đặc biệt tại Bình Liêu đã thực sự chạm tới cảm xúc của nhiều người. Đó là ấn tượng khó phai về “sống lưng khủng long” hun hút giữa hai bờ vực thẳm – chinh phục cột mốc 1305; niềm xúc động tự hào bên những cột mốc biên cương nằm dọc trên 43km đường biên giới – nơi các chiến sỹ Biên phòng thầm lặng ngày đêm để bảo vệ chủ quyền quốc gia; sự mộc mạc, chân tình của đồng bào miền núi cùng những giá trị văn hóa còn nguyên vẹn… tất cả đã tạo nên bản hòa ca tuyệt tác, say đắm lòng người...
“Là người làm du lịch, chúng tôi mong đón khách đến nhiều hơn, tuy nhiên cũng rất lo vì văn hóa truyền thống có thể bị tác động, mai một, rồi cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc truyền thống cũng không giữ được sự nguyên sơ mộc mạc nữa. Nên Bình Liêu rất “ngóng” dự án tâm huyết của Hanoi Tourism”, Sằn bày tỏ.
Và câu chuyện bây giờ mới kể…
Nhữ Thị Ngần không thể nhớ nổi chuyến đi Bình Liêu lần này là thứ bao nhiêu nữa. Nói như Sằn, “Ngần là con của Bình Liêu rồi”, hay qua cách gọi đầy trìu mến mà Chíu Nhì Múi – người phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán với “em gái Ngần”, đủ thấy cô thân thiết với Bình Liêu đến mức nào.
Cách đây nhiều năm, cô đã lặng lẽ mang theo bên mình di ảnh của người bố kính yêu đến Bình Liêu và nhiều vùng biên giới khác, để “đưa bố về thăm lại những đồn Biên phòng, trạm gác nơi ông đóng quân hoặc ghé qua trên đường tuần tra, thăm lại những bản làng ông đã đi qua”- những khu vực, địa danh Ngần vẫn nhớ như in qua lời bố kể.
“Tôi được nghe kể nhiều về những chuyến đi băng rừng vượt núi khu vực Bình Liêu để tuần tra, canh gác, bảo vệ biên cương. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, chưa từng được đặt chân tới nơi rừng xanh núi thẳm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm nhận được những gian khổ, hiểm nguy nhưng rất hào hùng, oanh liệt của các chiến sĩ Biên phòng, của bố tôi, những lần đi tuần tra lạc trong rừng, đến vận động, thuyết phục người dân, rồi những cảnh đẹp hoang sơ, phong tục tập quán của người dân bản địa….
Tôi “thấm” những câu chuyện kể và trong tôi bắt đầu có sự thôi thúc mãnh liệt khám phá những miền đất lạ, nhất là miền biên viễn. Tôi đặt một lời hứa với bố rằng 2 bố con mỗi năm sẽ đi đến một vùng trước kia bố tôi công tác để bố ôn lại kỷ niệm, và cũng là cơ hội để tôi được tận mắt thấy cảnh quan và con người qua lời kể. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện thì bố tôi đã vĩnh viễn ra đi.Tôi cảm thấy hụt hẫng, đau buồn và có điều gì đó rất hối tiếc vì không kịp thực hiện lời hứa. Vì thế, bất cứ khi nào có thể lên đường được, tôi lại mang theo di ảnh đưa bố trở về Bình Liêu”, Ngần xúc động kể.
Từ những chuyến đi đó, cô thêm hiểu, thêm yêu miền đất Bình Liêu. Bởi vậy, khi ý tưởng phát triển du lịch dựa trên bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa của Ngần được kết nối với chính quyền – (thời điểm năm 2015, Bình Liêu mới chập chững làm du lịch), cô nhận được sự khích lệ đặc biệt của huyện. Điều này đã tạo động lực mạnh mẽ để Hanoi Tourism bắt tay triển khai các hoạt động cụ thể.
Dự án được bắt đầu từ việc thí điểm phục dựng lại kiến trúc nhà trình tường, ngói âm dương và khuyến khích giữ gìn văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, cùng với đó, khôi phục lại nghề thêu thổ cẩm, làm rượu và những lễ hội riêng. Từ hiệu quả thiết thực được ghi nhận, Hanoi Tourism được huyện giao những dự án lớn, dài hơi để cùng địa phương phát triển du lịch bền vững.
“Với riêng tôi, làm hết sức mình để đóng góp một phần nhỏ bé vào sự khởi sắc của Bình Liêu trong tương lai là lời hứa từ sâu thẳm trái tim với người bố kính yêu – người đã khơi nguồn cảm xúc và đưa tôi đến mảnh đất Bình Liêu bằng những câu chuyện kể đầy cảm động và tự hào về những chiến công cùng sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ Biên phòng – đồng đội của cha tôi trên mảnh đất Bình Liêu này”, Ngần chia sẻ…
Trong tương lai, Bình Liêu sẽ có những khu nghỉ dưỡng là những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương nhưng bên trong là nội thất cao cấp, hiện đại. Cùng với đó, các loại hình du lịch dược liệu chế biến từ cây quế, cây hồi, cây sở… vốn là thế mạnh của Bình Liêu sẽ được phát huy tối đa. Hỗ trợ người dân trồng, chế biến, tiêu thụ miến dong (nông sản nổi tiếng của Bình Liêu) từ hoạt động du lịch cũng sẽ được tổ chức một cách bài bản, khoa học.
Một khía cạnh khác được Hanoi Tourism định hướng ngay từ đầu là phải bám theo văn hóa của người dân bản địa, tôn trọng tính truyền thống và bản sắc của địa phương trong phát triển du lịch. Du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa và những ngày ở đó là thời gian hòa vào cuộc sống cùng người d��n, không phát triển theo cách đi du lịch hưởng thụ rồi đưa ra các yêu cầu để người địa phương phục vụ.
“Nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam trải nghiệm, khám phá các bản làng ở vùng cao Tây, Đông bắc họ đã thực sự bị chinh phục bởi vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ của núi rừng, bởi nét độc đáo của văn hóa vùng miền, phong tục độc đáo của địa phương, bởi ẩm thực đặc sắc…; đó chính là “chất liệu” vô giá nếu chúng ta vô tình phá hủy, sẽ vô cùng khó để tạo dựng lại”, CEO Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần bày tỏ.
Viễn Nguyệt