Câu chuyện về “Ông bà chủ Chợ”
Ông bà Đỗ Công Tường là ai và vì sao lại được người dân tôn thờ trang trọng như thế? Hầu hết người dân Cao Lãnh, Đồng Tháp đều biết về câu chuyện này.
Thời Gia Long năm Đinh Sửu 1817, Cao Lãnh là vùng đất hoang sơ ven Đồng Tháp Mười. Khoảng đầu thế kỷ XIX, trong đoàn người từ miền Trung vào khai hoang lập nghiệp, có ông bà Đỗ Công Tường. Sau một thời gian chí thú làm ăn, gia đình ông bà ngày một khá giả, do tánh tình hiền lành, nhân hậu, thường giúp đỡ kẻ hoạn nạn, khuyên bảo mọi người ăn ở ngay thẳng nên ông được dân bầu giữ chức Câu Đương lo phân xử những vụ tranh chấp trong làng.

Khẩn đất hoang, ông bà trồng được một vườn quýt, nơi đây có địa hình bằng phẳng lại tiện đường nên dân trong làng thường ra mua bán, trao đổi hàng hóa thực phẩm, mỗi ngày một đông. Thấy cảnh nắng mưa, ông bèn dọn cây che lá tạm thành một cái chợ nhỏ. Ít lâu sau, chợ này trở nên hưng thịnh, các tiệm buôn từ các chợ lân cận cũng dời qua buôn bán, người dân gọi là chợ ông Câu.
Vào năm Canh Thìn 1820, tiết trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội làm chết nhiều người ( sử sách của triều đình nhà Nguyễn chép lại rằng, trận dịch làm chết hơn hai trăm ngàn người, gần 1/3 dân số cả nước lúc bấy giờ). Đêm, ngày tiếng mõ thúc, tiếng vó ngựa đánh liên hồi, tiếng kêu cứu, tiếng than van lạy trời, từng đám tang nối tiếp nhau, xóm làng phủ trùm màu thê lương tang tóc. Chợ vườn quýt trở nên thưa thớt rồi vắng hẳn. Vốn sẵn tình thương bác ái, ông bà Đỗ Công Tường bèn đặt một hương án giữa trời và đồng tâm khấn nguyện: “Hoàng thiên hậu thổ chứng minh, chúng tôi xin thế tử cho nhân dân và cầu cho dịch trên mau chấm dứt, để đồng bào sớm thoát cảnh đau thương”. Sau lời nguyện này, ông bà đã chay tịnh và khổ hạnh ba ngày (từ ngày 06 /06 đến mùng 8/6), sang ngày mùng 9 thì bà lâm bệnh và mất lúc 10 giờ đêm, đương việc tẩm liệm cho bà thì ông lại bệnh, sang ngày mùng 10 thì ông mất lúc 2 giờ khuya. Việc chôn cất ông bà tiến hành xong thì chứng bệnh dịch tả cũng chấm dứt. Tin rằng lòng thành của ông bà thấu đến trời đất và chính ông bà là người chịu chết thay để mang lại sự sống cho dân làng, nên nhân dân đã xây dựng một ngôi miếu thờ ngày đêm hương khói để tưởng nhớ công lao của hai người, người dân gọi là “Miếu ông bà chủ Chợ” - tên chữ là Chủ Thị Miếu. Từ đó chợ ông Câu được dân gọi là Câu Lãnh, lâu ngày đọc trại thành Cao Lãnh. Đây là nguồn gốc hình thành thành phố Cao Lãnh, thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường và Lễ hội truyền thống
Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường nằm bên cạnh trung tâm chợ Cao Lãnh, được xây cất năm 1820. Ngày 20 tháng 4 năm 2001, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được công nhận là một di tích nghệ thuật kiến trúc cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, người dân Cao Lãnh vẫn gọi là “Miếu ông bà chủ Chợ” một cách quen thuộc.
Đền thờ tổ chức 5 lần lễ lớn trong năm, là rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 10, Tết Nguyên đán, lễ giỗ Ông Bà. Tiêu biểu nhất là lễ giỗ cúng vào mùng 8, 9, 10 tháng 6 âm lịch.
Trong ngày chánh giỗ, ban tế tự tiến hành nghinh sắc, tức rước sắc vòng qua các đường phố quanh Cao Lãnh. Đầu tiên là người đi loa cho dân chúng biết để mọi người tránh đường. Kế đến theo thứ tự là Lân múa dẫn đường, rồi đến đội kèn, rồi đến cờ Nước, cờ Lệnh, cờ Thần, Trống lệnh, Ban nhạc lễ, rồi đến 12 người lính lệ với trang phục như ngày xưa (đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp, vai vác giáo dài), kế đến là vị Chánh tế. Phần quan trọng thứ nhất là Long Đình (là một cái kiệu, trên có để sắc thần được đựng trong hộp khảm xà cừ), có người cầm tàng lọng che bốn phía cho Long Đình. Theo sau là trên 200 đại diện của các Khu Di tích miếu, đình, chùa, đền thờ, các họ đạo, thánh thất trong và ngoài tỉnh, và các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Ba đội lân được bố trí ở đầu, giữa và cuối đoàn, đi qua nhiều con đường nội ô trong thành phố, thu hút hàng ngàn người dân xem đoàn rước đi qua.
Lễ hội còn gắn với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như đờn ca tài tử, múa lân, thi đấu bóng đá, chạy việt dã và các trò chơi dân gian.
Chính vì những giá trị và tầm quan trọng của lễ hội này, năm 2009, UBND thành phố Cao Lãnh ra quyết định công nhận lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường là lễ hội văn hóa - lịch sử cấp thành phố. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng chục ngàn người từ các nơi đến cúng viếng, tham quan.
Lễ hội truyền thống đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và giáo dục cho thế hệ trẻ về tấm gương của cha ông, thể hiện lòng tri ân, ngưỡng mộ và tôn kính đối với người có công với quê hương, đất nước. Lễ hội này đã là một nét sinh hoạt tâm linh không thể tách rời khỏi đời sống của người dân thành phố Cao Lãnh nói riêng và người dân các vùng miền khác nói chung.
Đinh Văn Nhân*
Tạp chí Du lịch 7/2016