Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân bày tỏ niềm vui, niềm tự hào to lớn với cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân huyện Trần Văn Thời nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung khi Lễ hội Nghinh Ông được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân tỉnh Cà Mau mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam và cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước, quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển Cà Mau.
"Với những giá trị vốn có của Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc về văn hóa, lịch sử, kinh tế, khoa học... cần chung tay ra sức bảo vệ di sản, để di sản được trường tồn với thời gian, được lưu truyền, kế thừa và phát triển hơn nữa về quy mô cũng như giá trị", ông Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân đề nghị các sở, ngành cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông; phối hợp với cộng đồng để đánh giá, cân nhắc và lựa chọn các yếu tố di sản văn hóa phi vật thể phù hợp khi triển khai xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại di sản; đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại bảo tàng, di tích...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, các cơ quan chức năng cần quan tâm, hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá Lễ hội Nghinh Ông; phục hồi, lưu truyền các nghi thức tế lễ cùng các bài bản và hình thức diễn xướng truyền thống trong lễ hội hiện đã bị mai một; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc trong cuộc sống đương đại...
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cam kết sẽ tìm ra phương hướng tốt nhất cho giải pháp thu hút khách tham quan và phát triển du lịch bền vững trong cộng đồng; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc, để di sản văn hóa ngày càng phát triển và sống mãi với thời gian.
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Lễ hội có nguồn gốc từ lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển. Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian và đền thờ Cá Ông ở thị trấn Sông Đốc.
|
Dương Đức