Hà Nội tổ chức kích cầu du lịch, quảng bá ẩm thực “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”
Đây là sự kiện tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn". Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 18/4 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nhà Bát Giác, đường Lê Thạch, đường Lê Lai và Cung Thiếu nhi Hà Nội, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm. Lễ hội lần này nhằm khuyến khích người dân đến thăm các điểm đến hấp dẫn như khu phố cổ, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, huyện Mỹ Đức (Hương Sơn), Sóc Sơn, Đông Anh... Nhiều hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch cũng được tổ chức như chương trình giao thương (B2B), tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến du lịch nổi bật của Hà Nội, giới thiệu sản phẩm du lịch tại sân khấu và các gian hàng. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, lễ hội còn giới thiệu những nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội qua những món ăn đặc trưng như: phở, chả cá, bún thang, phở, bánh tôm Hồ Tây, nem Phùng, trà sen Hồ Tây...
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong ngày đầu mở cửa trở lại sau khi tạm dừng hoạt động để phòng ngừa Covid-19 (ngày 13/3), đã có gần 3 vạn du khách tới chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Bên cạnh đó, các điểm di tích đã cho thấy sự khởi sắc trong những ngày đầu mở cửa trở lại đón khách từ đầu tháng 3. Ở khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, dù lượng khách chưa đông như thời điểm trước, nhưng đơn vị đã đón nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm cả ban ngày và ban đêm. Tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, ngay trong "Tuần lễ áo dài" (từ 1-8/3), khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Quảng Nam tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo điểm đến an toàn
Theo Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thanh – Truyền hình TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay, khách tham quan phố cổ Hội An có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Những ngày cuối tuần, phố cổ Hội An mỗi ngày đón khoảng 1.000 lượt khách, tăng gấp đôi ngày thường. Thành phố trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho du khách tại tất cả các quầy bán vé tham quan tại Khu phố cổ Hội An và các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phân công cán bộ trực tiếp công tác phục vụ hướng dẫn tham quan có trách nhiệm nhắc nhở du khách tuân thủ việc đeo khẩu trang khi vào tham quan. Phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan và các di tích trong tuyến tham quan tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách vào ban đêm sẽ được phân bổ hợp lí tránh tập trung quá đông vào một số địa điểm và một số hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả du khách.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Trần Văn Tân cũng khẳng định, hơn lúc nào hết, điểm đến an toàn là tiêu chí quyết định hàng đầu trong việc lựa chọn điểm đến do tâm lý e ngại của du khách. Trước mắt, Hội An lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn và lâu dài vẫn xem du lịch nội địa là thị trường có vai trò quan trọng. Các chương trình kích cầu nội địa không chỉ nhắm tới đối tượng là người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Mặt khác, Hội An cần chú trọng xu hướng du lịch tại chỗ (staycation) đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhiều cơ sở lưu trú ở Hội An tìm cách vực dậy hoạt động bằng những gói giảm giá sâu, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ. Chú trọng vào thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng trung và cao cấp, nghỉ dưỡng theo gia đình gắn với mục đích tâm linh, chăm sóc sức khỏe. Đón đầu thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên. Đa dạng hóa các thị trường khách du lịch nội địa như khách du lịch theo đoàn, khách du lịch tự đi, khách du lịch gia đình, khách du lịch theo mùa, khách du lịch MICE, du lịch kết hợp tổ chức đám cưới, lễ kỷ niệm và tuần trăng mật, khách ưa thích nghỉ dưỡng biển, thưởng ngoạn biển, vui chơi giải trí, khách từ các tỉnh, thành phố lân cận đi nghỉ cuối tuần...
Thừa Thiên Huế xây dựng quy tắc ứng xử văn minh du lịch
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, thu hút và phục vụ du khách trong trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa khai thác du lịch hiệu quả là nhiệm vụ không phải dễ. Vì vậy, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để phát triển du lịch Thừa Thiên Huế bền vững, an toàn và chất lượng. Bộ quy tắc giúp định hướng hành vi, thái độ và cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho toàn bộ người dân, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch và cộng đồng địa phương tại các điểm du lịch
Trong các nội dung mà bộ quy tắc ứng xử văn minh hướng đến, điều lưu ý đầu tiên vẫn là cài đặt ứng dụng Bluezone để cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cài đặt Hue-S và quét mã QR điểm đến để giám sát dịch tễ cộng đồng. Cập nhật bản đồ du lịch an toàn (Hue Blue Map) để nhận biết các cơ sở dịch vụ/điểm đến đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”.
Khánh Hoà tổ chức chương trình kích cầu du lịch "Nha Trang – Biển gọi"
Theo ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, với mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu, doanh thu du lịch đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 343% so với năm 2020, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa với sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và ứng dụng công nghệ thông minh 4.0. Khánh Hòa xây dựng các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, tập trung triển khai các hoạt động kích cầu thị trường nội địa; tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, thể thao hấp dẫn để quảng bá điểm đến và thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp tổ chức hoạt động quảng bá, gặp gỡ, trao đổi với các hội, hiệp hội, doanh nghiệp của các thị trường khách quốc tế để sẵn sàng đón nguồn khách quốc tế đến Khánh Hòa sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Hình thành chuỗi hoạt động, sản phẩm du lịch kích cầu theo từng giai đoạn trong năm nhằm thu hút du khách và tăng thêm giá trị cho khách trải nghiệm du lịch Khánh Hoà.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị để triển khai cuộc thi ảnh và clip đẹp về du lịch Nha Trang - Khánh Hòa; tổ chức Lễ đón chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Nha Trang – Khánh Hòa sau dịch Covid-19; đón đoàn famtrip các hãng hàng không quốc tế đến khảo sát, tìm hiểu hợp tác phát triển đường bay đến Khánh Hòa; triển khai các hoạt động nhằm lựa chọn bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Khánh Hoà gồm biểu trưng (logo) và biểu ngữ (slogan); quảng bá trên cổng thông tin du lịch, các trang mạng xã hội; tổ chức các sự kiện ẩm thực, lễ hội đồ uống, chương trình thể thao 3 môn phối hợp, đường chạy sắc màu để thu hút khách du lịch. Đặc biệt trong kế hoạch kích cầu sẽ triển khai một số chương trình mới như: Phiên chợ du lịch quốc tế trực tuyến, chương trình B2B Workshop để tiếp cận các doanh nghiệp quốc tế chuẩn bị cho các hoạt động xúc tiến quảng bá khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời triển khai mô hình “đi du lịch trước, trả tiền sau” khi khách du lịch lựa chọn Khánh Hòa là điểm đến.
Đà Nẵng thí điểm Chương trình “Đà Nẵng về đêm - Danang By Night”
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, du lịch Đà Nẵng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng qua các đợt dịch. Đến thời điểm hiện tại cần có kế hoạch chuẩn bị để khôi phục các hoạt động của ngành, trong đó chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tạo được hiệu ứng truyền thông để giới thiệu và thu hút khách.
“Với kế hoạch thí điểm "Danang By Night", cần chọn lọc, tổ chức khai thác và nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm sẵn có, bảo đảm chất lượng, tính hấp dẫn; huy động sự tham gia của các ngành, địa phương, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo nên các sản phẩm dịch vụ ban đêm... Hiện Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể cho chương trình; nghiên cứu các tờ rơi phát cho khách tại sân bay, nhà ga; thành lập các nhóm bán chương trình tour về các nhóm sản phẩm, kết nối các đơn vị vận chuyển… để có hoạt động tập trung hơn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách. Các đơn vị đang nỗ lực để hình thành được một sản phẩm du lịch về đêm hoàn chỉnh, sớm mang tới cho du khách. Đây hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch mới để kích cầu thu hút khách trong thời gian tới đây”, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết.
Theo kế hoạch tổ chức thí điểm Chương trình “Đà Nẵng về đêm - Danang By Night” có 10 nội dung chính bao gồm: Dự án trang trí ánh sáng nghệ thuật với chủ đề “Dòng sông ánh sáng” thực hiện dọc 2 bờ sông Hàn từ cầu Thuận Phước tới cầu Trần Thị Lý; bãi biển đêm Mỹ An; trải nghiệm hoạt động về đêm tại phố du lịch An Thượng. Tổ chức các hoạt động, dịch vụ về đêm tại một số khu, điểm tham quan du lịch tại Đà Nẵng; các chương trình nghệ thuật, biểu diễn ban đêm tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động văn hóa, sự kiện, lễ hội, chương trình nghệ thuật về đêm; trải nghiệm không gian ẩm thực Đà Nẵng; chương trình tham quan du lịch về đêm; chương trình “Giờ hạnh phúc - Happy hours”; nâng cấp dịch vụ và chuẩn bị các hoạt động kinh tế ban đêm đa dạng, hấp dẫn và vận động kéo dài thời gian phục vụ khách.
Lan Phương