(VTR) - Hải Dương từ lâu đã được du khách biết tới qua những món đặc sản như: bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà hay các làng nghề, di tích lịch sử văn hóa như Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (một trong 48 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam), làng gốm Chu Đậu...
Một góc khuôn viên chùa Minh Khánh
Để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, tỉnh Hải Dương mới đây đã nghiên cứu và đưa vào khai thác hai tuyến điểm du lịch mới, trong đó, chùa Động Ngọ, chùa Minh Khánh và đền Quan lớn Tuần Tranh là các điểm du lịch văn hóa – tâm linh được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách.
Chùa Minh Khánh hay còn gọi là chùa Hương nằm ở làng Bình Hà, nay là thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Từ TP. Hải Dương theo quốc lộ 5 về phía Hải Phòng, qua cầu Phú Lương rẽ tay phải đi đường 190A khoảng 12 km sẽ tới chùa Minh Khánh. Đây là một di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của huyện, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.
Chùa Minh Khánh gắn với những câu chuyện lịch sử về vua Trần Nhân Tông. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, nhà vua đã đi kinh lý qua vùng Bình Hà, thấy địa hình của vùng sông nước này hiểm trở đã quyết định chọn chùa Minh Khánh làm căn cứ chỉ huy chống giặc. Trong thời gian này, cảm kích lòng mến khách và sự nhiệt tình của người dân, vua đã đặt tên cho làng là Hương Đại. Từ đó chùa Minh Khánh còn được gọi là chùa Hương Đại theo tên làng, sông Bình Kha và bến Bình Kha trước cũng được gọi là sông Hương và bến đò Hương.
Một góc khuôn viên chùa Động Ngọ
Chùa còn lưu giữ được 15 tấm bia lớn nhỏ có niên đại thời Lê và thời Nguyễn; 18 pho tượng phật cổ, trong đó có tượng vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra còn có 13 đạo sắc của các triều đại phong cho Trần Nhân Tông và hai đạo sắc thành hoàng. Trong Điện tổ có 9 hạt xá lị màu đen, xỏ lỗ như tràng hạt tương truyền đó là tro cốt của vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra còn một bức thư của tổ sư Huyền Quang. Những cổ vật này đều là những di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và lưu truyền, bởi vậy mà chùa Minh Khánh luôn là một khu di tích có ý nghĩa lớn về lịch sử văn hóa của vùng Thanh Hà. Để ghi nhớ công ơn của vua Trần Nhân Tông, hàng năm dân quanh vùng mở hội từ ngày 29/10 - 1/11 âm lịch.
Chùa Động Ngọ còn thường được gọi là Đồng Ngọ hay chùa Cập Nhất, tọa lạc ở thôn Cập Nhất, xã Tiên Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, gắn liền với tên tuổi của hòa thượng Chân Nguyên, sống vào giai đoạn thế kỷ thứ 17 – 18. Đây từng là trung tâm phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất ở tỉnh Hải Dương hiện nay, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1974.
Căn cứ vào văn bia còn ghi lại, chùa được xây dựng vào thời nhà Đinh, theo sắc chỉ vua ban năm 971. Khuôn viên chùa còn giữ được nhiều cây cổ thụ có niên đại từ thế kỷ 13 như 2 cây đại trước thượng điện và 2 cây xoài từ thế kỷ 16 trước cửa tam quan. Ngoài ra, trong chùa có rất nhiều tượng phật và đồ thờ cổ. Chùa cũng lưu giữ được bộ sưu tập đồ đá khá lớn với hàng trăm mẫu vật, đa phần là những công cụ sản xuất của người Việt xưa như: quả trục lúa, cối giã gạo.. và rất nhiều sản phẩm điêu khắc từ đá khác.
Nổi bật nhất trong quần thể chùa là cây Cửu phẩm Liên Hoa, tương truyền được dựng lần đầu vào mùa xuân năm Nhâm Thân (1692) thời vua Lê Hy Tông. Cây Cửu phẩm Liên Hoa cao 5,3m gồm 9 tầng, kết cấu theo kiểu "thượng thu hạ thách", tầng 1 dài 1,5m đến tầng 9 chỉ còn 0,3m; trên mỗi tầng đài sen có 90 pho tượng phật nhỏ. Cửu phẩm Liên Hoa là công trình sáng tạo độc đáo của Phật giáo, không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm, thường chỉ được xây dựng tại những chùa với vị trí trung tâm Phật giáo hoặc gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng. Ngoài giá trị tín ngưỡng, tôn giáo, đây còn là những cổ vật mang giá trị văn hóa vô giá. Hiện nay, ngoài ở chùa Động Ngọ, cả nước chỉ còn 2 tòa Cửu phẩm Liên Hoa khác có niên đại từ thế kỷ thứ 17 - 18 được đặt tại chùa Giám (Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Tòa Cửu phẩm Liên Hoa
Đền Tranh, còn gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh, là một ngôi đền cổ tọa lạc giữa không gian rộng và thoáng mát, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, cách TP. Hải Dương khoảng 30km về phía Nam. Đền được xây dựng trên diện tích 14.400m2, kiến trúc theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với những cung và gian thờ khác nhau.
Trong đạo Mẫu, Quan đệ ngũ Tuần Tranh chính là con trai của vua Lạc Long Quân. Trong hàng Ngũ vị Tôn quan, ông là một vị quan lớn danh tiếng hết sức lẫy lừng, được nhân dân tôn kính phụng thờ, nhất là người làm nghề trên sông nước và những người buôn bán, cầu mong mọi việc được thông đồng bén giọt, làm ăn gặp nhiều may mắn. Đền thờ Quan lớn Tuần Tranh nằm tại huyện Ninh Giang vì tương truyền đây là nơi chính quán quê nhà của ông, nơi ông trấn giữ và cũng là nơi ông hiển tích.
Hiện nay, đền còn bảo lưu một số cổ vật có giá trị nghệ thuật như tượng Quan lớn Tuần Tranh bằng đồng nặng 200kg, 4 pho tượng tứ trụ bằng đá và bát hương, đỉnh đồng, hạc đồng, cuốn thư, choé sứ... Lễ hội hàng năm tại đền Tranh được diễn ra vào 2 kỳ, vào dịp 10, 11/2 âm lịch và dịp 20, 21/8 âm lịch, mở theo hội Kiếp Bạc nơi thờ Trần Hưng Đạo và ngày tiệc quan 25/5. Lễ hội gồm nhiều hoạt động văn hóa – tâm linh đặc sắc như rước nước, rước kiệu, lễ tế, lễ và hát chầu văn. Những lời khấn ở đây hầu hết được viết thành thơ và được thể hiện bằng điệu chầu văn rất mượt mà, sôi nổi; bởi vậy mà tiết mục hát chầu văn ở đền Tranh luôn luôn là hoạt động đậm nét nhất của lễ hội và thu hút rất đông du khách.
PV