Miền Bắc
Từ bao đời nay, mâm cỗ tết của người miền Bắc vẫn thể hiện sự tinh tế, đặc sắc riêng của văn hóa ẩm thực nơi đây.
Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc vào dịp tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Bánh chưng dẻo, béo, dễ ngán nên cần phải có đĩa dưa hành chua chua, giòn giòn, khiến cho người thưởng thức ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn.
Mâm cỗ tết truyền thống của người miền Bắc thường có “bốn bát sáu đĩa”, với nhà khá giả thì nhiều hơn (tám bát tám đĩa). Người miền Bắc chuẩn bị cỗ tết rất cầu kỳ, theo đúng quy cách, đủ lệ, đủ món. Các bát trên mâm cỗ gồm một bát bóng nấu với chân tẩy và nước dùng gà (chân tẩy gồm có su hào, cà rốt, su su được thái mỏng theo những hình hoa đẹp đẽ), một bát khoai tây hầm, một bát canh miến và một bát măng khô ninh sườn. Bên cạnh đó là các đĩa gà luộc, thịt đông, giò xào, giò lụa, cá kho riềng hoặc đĩa nộm, đĩa xôi gấc, đĩa dưa cùng củ kiệu…
Dù là cỗ tết xưa hay tết nay, món thịt đông vẫn luôn được các mẹ, các chị chuẩn bị chu đáo. Bề mặt của thịt đông trong, bên trong là những miếng thịt thơm ngon, sợi mộc nhĩ khi ăn giòn tan trong miệng. Ăn thịt đông cùng với bánh chưng, hoặc với cơm thêm đĩa dưa hành là đủ cảm nhận hương vị của ngày tết.
Vùng Tây Bắc
Tết người Mông
Dân tộc Mông có gần một triệu người, tập trung ở miền núi phía Bắc nước ta. Ngày nay đa số các vùng người Mông đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ vẫn duy trì ăn tết theo hệ lịch riêng của họ. Đây được coi là một trong những nét đẹp văn hóa riêng của đồng bào người Mông.
Trong ngày tết, nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh dày được làm từ những hạt gạo nếp nương bởi họ quan niệm bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, nguồn gốc sinh ra vũ trụ và loài người… Người Mông không đón giao thừa, đối với họ tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Đêm giao thừa, người ta cúng tổ tiên (ma nhà) bằng một con lợn sống, một con gà trống tơ còn sống rồi đợi đến lúc gà gáy sáng. Bắt đầu từ sáng mùng một họ đi hài, mặc quần áo mới, đi chơi, trò chơi ngày tết mà người Mông rất thích là ném papao; ngoài ra còn múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, đua ngựa, bắn nỏ…
Tết người Thái
Người Thái thường gói hai loại bánh trưng màu đen và màu trắng để ăn tết. Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Phụ nữ trong nhà hôm mùng một tết được đem xôi đã đồ ra quạt ở giữa gian cúng tổ tiên. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cỗ để cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ như vậy mỗi ngày mùng một tết (quanh năm, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông).
Mâm cỗ tết của người Thái không thể thiếu món cá nướng. Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng một tết.
Miền Trung
Mâm cỗ cúng tết miền Trung nấu khéo, trong có những món chính: gà luộc, canh bún, cơm trắng, đỗ xào, thịt luộc, cá kho, chả ram… Dĩ nhiên, món bánh chưng, bánh tét cũng là món chủ lực trong ngày tết. Bánh Tét của mỗi vùng miền ngắn, dài khác nhau, nhưng vẫn là nếp, đậu xanh, thịt heo với lá chuối gói bên ngoài, luộc chín. Sau này, một số nơi đã biến tấu nhân bánh, từ đó có bánh tét gấc, bánh tét chuối, bánh tét nhân đậu đen … hoặc Ninh Thuận có bánh tét thịt cừu, Bình Thuận có bánh tét thịt dê với mục đích ăn cho lạ miệng.
Món ăn ngày tết của người miền Trung còn có hũ dưa món, dưa chua với tôm khô, lạp xưởng, trứng vịt, nồi thịt gà, thịt heo rim mặn ngọt và đòn chả lụa, nem chua, tai heo thịt heo ngâm mắm… Chủ và khách cùng nhâm nhi chuyện trò trong ngày xuân bên ly rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Hồng Đào (Quảng Nam) hay rượu Minh Mạng (Huế)…
Miền Nam
Người miền Nam ăn tết không cầu kỳ, không nhiều nguyên tắc như người miền Bắc và người miền Trung.
Mâm cỗ tết miền Nam có những món đặc trưng của vùng khí hậu nóng như thịt kho trứng vịt, tai heo ngâm giấm, canh khổ qua, giò bì làm từ thịt nạc trộn bị heo... Ở miền Nam, ngoài bánh chưng, còn có thêm bánh tét được gói bằng lá chuối.
Một số món nguội cơ bản trong mâm cỗ miền Nam là chả, gỏi, nem, bì, lòng heo khìa, lòng heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi ngó sen... Các món ngâm chua như tai heo ngâm giấm, tôm khô củ kiệu cũng thường có trên mâm cỗ.
Đặc biệt, hầu như các gia đình ở Nam Bộ đều có nồi thịt kho nước dừa ăn với dưa giá và canh khổ qua hầm. Đây là hai món đặc trưng nhất trong mâm cỗ cúng cũng như cỗ mời khách của người Nam Bộ.
Người Việt vẫn quen gọi "ăn tết" chứ không ai gọi “nghỉ tết”, “chơi tết”… có lẽ vì ẩm thực là một yếu tố quan trọng của ngày tết cổ truyền dân tộc. Mâm cỗ tết với nhiều thức ngon được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt. Mỗi gia đình người Việt Nam đều dành những gì tinh túy, hoàn hảo nhất cho ngày tết, thể hiện rất rõ qua mâm cỗ tết - một mâm cơm đặc biệt nhất trong năm khi cả gia đình được đoàn tụ dịp đầu năm mới./.
Thế Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)