Có lẽ nhiều người đã đến Nghệ An, tham gia những chuyến du lịch về nguồn, giúp cho mọi người gần nhau hơn, có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về một Việt Nam hòa bình và phát triển như hôm nay. Đến nơi đây, hẳn nhiều người sẽ đến thăm Truông Bồn, khu di tích rộng hàng chục hécta. Bất chấp cái nóng hầm hập từ trên cao hắt xuống của những ngày cuối hè, từ mặt đường bê tông phả lên, các đoàn khách vẫn kiên nhẫn chờ đợi trong nhà chờ, đăng ký để đến phiên vào lễ.
Dưới mái che khang trang trên diện tích chỉ vài chục mét vuông, các đoàn khách lặng lẽ đứng quanh phần mộ. Trong số ấy, có những người không còn xa lạ với huyền thoại Truông Bồn trong những năm tháng chống Mỹ, nhưng cũng không ít người trẻ mới chỉ biết đến nơi đây qua sử sách.
Đây là nơi yên nghỉ của 14 thanh niên xung phong cách nay 48 năm về trước, các anh, các chị tuổi đời mới đôi mươi, căng tràn nhựa sống. Hầu hết trong số họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ, có người đã có quyết định đi học, có người còn định cả ngày cưới… Tuy nhiên, những dự định, ước mơ đã tắt lặng trước trận bom ác liệt ngày 31.10.1968, khi chỉ cách thời điểm máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc 18 tiếng. 13 chiến sĩ của Tiểu đội 2 bất ngờ ngã xuống, chỉ may mắn một người còn sống sót.
Truông Bồn nằm dọc tuyến đường 15A thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ là đầu mối giao thông quan trọng để vận chuyển quân lương, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, cả chục nghìn quả bom và hàng nghìn quả tên lửa đã dội xuống con đường huyết mạch chỉ trong một thời gian ngắn, khiến hơn 1.200 chiến sĩ hy sinh.
Rạng sáng 31.10.1968, máy bay Mỹ ném hơn 200 quả bom xuống đại đội 317, Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An trong khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom. 13/14 chiến sĩ đại đội 317 đã hy sinh. Người duy nhất may mắn sống sót là nữ Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông, nay đã bước sang tuổi 70.
Đi đến nơi đây, trong tâm mỗi chúng ta sẽ bình an một cách lạ lùng. Có lẽ mỗi người đều hiểu được giá trị của sự hy sinh là vô cùng ý nghĩa. Mỗi con người ngã xuống một cách lặng lẽ đâu mong muốn gì hơn là chúng ta, những thế hệ sau này được sống trong hòa bình, sống trong an nhiên, vui tươi, không còn những tiếng bom, những tiếng súng, không còn cảnh nhà tan, cửa nát, gia đình ly tán.
Sự hy sinh mất mát của những người lính không gì có thể tả hết, không có cuộc chiến nào mà sự mất mát có thể đánh đổi được. Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, trái tim đầy nhiệt huyết, quyết hy sinh để bảo vệ đất nước, ở họ gia đình quan trọng nhưng đất nước mất thì nhà mất, đất nước còn thì gia đình còn, họ cùng chung một lý tưởng, một con đường duy nhất, đó là tình yêu quê hương, đất nước.
Các anh, các chị nằm lại nơi đây nhưng mọi người dân Việt Nam chúng tôi luôn biết ơn các anh chị, và tự hứa với hương hồn các anh, các chị, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng Việt Nam ngày một phát triển, chúng tôi sẽ tự hào nói với bạn bè trên thế giới về một Việt Nam anh hùng.
Cuộc thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"
Cuộc thi viết “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 – 31.5.2018.
Giải thưởng: 2 giải nhất – 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.
Thể lệ chi tiết xem tại đây.
Bài dự thi xin gửi về:
Ban tổ chức cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”
Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (024) 35330305
Email: dulich@laodong.com.vn
|
NGUYỄN NGỌC HẰNG
Nguồn: laodong.com.vn