Chuyện kể vào 700 năm trước, một số người dân ở làng Bố Bát, Yên Mô, Ninh Bình đã đi theo chân vua Lý Công Uẩn khi ông dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Những hộ dân này định cư tại vùng đất sét bồi ven sông Hồng cách Hà Nội hơn 10km lập nghiệp. Đất sét ở đây trắng và mịn khiến cho những người dân bắt đầu lập nên một phường làm gốm.
Khi khởi đầu chỉ là làm gạch và các vật dụng gốm đơn giản, sau nhiều lần tinh hoa tụ lại, gốm Bát Tràng từ đó trở thành vật phẩm vô cùng quý giá cho khách phương xa chọn mua làm tài sản và cho tặng. Để tạo sự hấp dẫn cho nghề gốm Bát Tràng, mọi người còn cho rằng người đầu tiên tạo ra nghề gốm ở đây là một ông lão râu tóc bạc trắng như tiên. Sự hưng thịnh của nghề gốm tại đây bắt đầu vào thế kỷ 16 - 17 và hiện rất nhiều nơi vẫn còn giữ những đồ gốm Bát Tràng chế tác vào thời ấy, và trở thành vật quý vô song.
Lần lữa mãi, 700 năm sau, tôi làm một cuộc hành trình về Bát Tràng, men theo đê sông Hồng làm cuộc tận hưởng vẻ đẹp gốm mà không dễ gì có thể tới được. Bát Tràng gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Giờ thì đã có chợ gốm và đó cũng là điểm đầu tiên dừng chân của bất cứ ai nao nức tìm đến để chiêm nghiệm vẻ đẹp của gốm. Bước chân vào chợ gốm Bát Tràng đã thấy muôn vẻ đẹp của gốm, mà không thể nào không dừng bước, nhìn ngắm, và chắc chắn sẽ phải mua một hay hai thứ gì đó đem về làm kỷ niệm.
Ngay cổng ra vào chợ gốm là những gian hàng tô tượng. Không chỉ trẻ em, mà cả người lớn vẫn có thể thoải mái chọn một bức tượng phù hợp cho mình, màu vẽ để sẵn, cứ thế mà tạo màu cho bức tượng theo ý của mình. Bức tượng sau khi trở thành tác phẩm cá nhân sẽ được chủ cửa hàng gói lại cẩn thận giao cho khách.
Một thú vị khác chính là vào khu vực học làm gốm ngay bãi giữ xe. Đất sét nhồi sẵn, những bàn xoay cũng có sẵn, các nghệ nhân hướng dẫn các động tác để tạo ra một thứ gì đó gọi là tác phẩm gốm riêng cho bạn.
Việc tô tượng và nặn gốm chủ yếu là giải trí và thử nét tài hoa của khách, còn việc lang thang trong ngàn ngàn đồ gốm từ loại to như các độc bình, có cái cao tới 2 mét đến những vật nhỏ như ly, tách và các con thú xinh xinh lại là chuyện tận hưởng vẻ đẹp. Nói chung là thứ gốm gì cũng đều có ở chợ gốm Bát Tràng.
Đó là những chiếc lọ cắm hoa, trang trí trong phòng làm việc, bình men sứ hài hòa màu sắc mà chỉ cần nhìn thôi cũng đã muốn sở hữu ngay. Cũng có thể mua đủ loại tượng từ chú Tễu cho tới tượng Phật, tượng ngư ông để làm một bộ sưu tập cho chuyến đi. Những bộ bình pha trà cách điệu, đa dạng giá chỉ hơn một trăm ngàn là thu hút khách hơn cả.
Có nhiều gian hàng gốm đề tấm bảng rất rõ ràng: “Không được chụp ảnh”, có thể giải thích là bởi khách du lịch vào chợ gốm không tốn tiền mua vé, ai cũng mang theo máy ảnh để chụp ảnh, mà hàng hóa thì cần buôn bán. Cách để chụp được những hình ảnh gốm đẹp ấy chỉ bằng cách vào ngay gian hàng cấm chụp ảnh ấy mà mua hàng.
Trước chợ gốm có những hàng ăn chỉ bán đến 6 giờ chiều, chủ yếu phục vụ khách với các món ăn cũng rất Bát Tràng. Lò nấu than khói bay nghi ngút, bán món ăn rất riêng là bánh giò gói như gói chả, trứng luộc, bắp nướng, xúc xích nướng. Dừng chân ở những quán liêu xiêu ấy, ăn món ngon của chợ gốm rồi lại tiếp tục đến làng gốm.
Làng gốm cách chợ gốm khoảng 700 mét. Sau một thời gian im ắng do không có thị trường, đến năm 1986 làng gốm Bát Tràng phát triển mạnh. Vào làng gốm thấy nhà nào cũng có gốm. Cái khác là giờ gốm được nung bằng bếp gas hoặc bằng than đá chứ không nung bằng lò củi như xưa.
Con đường vào làng gốm rất nhỏ, giống như đi vào một con hẻm cứ nhỏ lần, nhiều chỗ chỉ vừa vặn cho một người lách qua, cứ loanh quanh trong một trận đồ. Chính vì sự thâm u, nhiều ngõ ngách ấy mà tạo ra một làng gốm độc đáo. Cũng bởi làng có nhiều ngã rẽ, nên nếu không tinh ý quan sát, bạn dễ dàng bị lạc đường.
Con đường vào làng gốm ấy thỉnh thoảng bắt gặp những bức tường dán những mẫu bùn trộn than giống như mặt nạ đập lên trên đó phơi khô. Ở chót vót trên cao là những tấm bảng chỉ dẫn các nhà làm gốm. Trên những hành lang của các ngôi nhà là các mẫu gốm mới nặn xong phơi cho ráo nắng, cũng có thể ghé mắt vào một ngôi nhà nào đó xem tạo gốm, và cũng có thể bước chân vào bất cứ một ngôi nhà nào để học làm gốm. Người Bát Tràng tự hào vì thương hiệu gốm của mình, họ cũng rất rộng lòng mời khách vào nhà, bởi lẽ chính sự hiếu khách ấy giúp cho tiếng lành đồn xa.
Đi hết những con đường nho nhỏ ấy là tới đình làng gốm. Đình đã được xây dựng từ 300 năm về trước. Năm 2005, đình được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng Di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật, hiện vẫn giữ nguyên không gian, kiến trúc cổ xưa như ban đầu. Đình có hàng cột gỗ lim vững chãi, còn giữ hơn 50 đạo sắc phong cho Thành hoàng qua các đời vua chúa. Đình có cổng hướng ra sông Hồng, có cả một khoảng sân xi măng rất rộng và bậc cấp xuống bờ sông, có ghế đá ven bờ sông cho khách dừng chân ngắm nhìn dòng sông. Những người dân quanh vùng cho biết có lần vào mùa lũ, nước sông Hồng dâng lên ngập hơn nửa cổng đình.
Cuộc hành trình đến làng gốm kết thúc khi ngồi ở trước đình làng, ngắm nhìn sông Hồng đang cuộn nước. Bát Tràng vẫn miệt mài tạo ra những tuyệt tác gốm, mang dấu ấn Việt đến khắp mọi nơi trên thế giới. Làng gốm ấy đã đi qua 700 năm.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Nguồn: Laodong.com.vn