Đền Hùng là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia. Hằng năm vào cuối xuân, nhân dân cả nước lại nô nức hành hương về đất tổ, tưởng niệm các vua Hùng, dòng vua dựng nghiệp và lập ra nhà nước Văn Lang cổ đại. Lễ hội kéo dài từ mồng 8 - 11/3 âm lịch, nhưng từ ngày 1/3 nhân dân cả nước đã kéo về dâng hương lễ hội.
Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc đẹp trên núi Nghĩa Lĩnh, tức núi Hùng, thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây, mỗi công trình kiến trúc đều hàm chứa nội dung huyền thoại lẫn hiện thực, theo dòng lịch sử, người đi hội hôm nay như thấy quá khứ và hiện tại quyện vào nhau, khí thiêng sông núi ngày hội thêm rạng rỡ.
Toàn bộ khu di tích có 4 đền, 01 chùa, 01 lăng, hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao ráo rất ngoạn mục, hùng vỹ. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo. Ba đỉnh núi Hùng, núi Vặn và núi Trọc theo truyền thuyết là ba đỉnh “tam sơn cấm địa” được dân gian thờ tự rất lâu đời.
Cổng đền lớn (đại môn) nằm dưới chân núi, với bức đại tự phía trên mang dòng chữ “cao sơn cảnh hành” (núi cao đường lớn). Phía đối diện của cổng đền là Bảo tàng Hùng Vương rất đồ sộ. Vượt 225 bậc thang xi măng, du khách đến đền Hạ, nơi bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân dẫn 50 người xuống biển, bà Âu Cơ dẫn 49 người lên rừng, để lại người con trưởng làm vua, xưng là Hùng Vương, định đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Sân đền Hạ và chùa Thiên Quang là nơi rộng nhất trong toàn bộ khu di tích. Vượt 168 bậc nữa là đến đền Trung, nơi ngày xưa các vua Hùng thường bàn việc nước với các Lạc tướng. Lại vượt 102 bậc nữa, du khách đến đền Thượng, xưa kia, vua Hùng thường cùng các lão làng lập đàn tế trời và các thần lúa. Từ đền Thượng phóng tầm mắt về phía trước, du khách có thể chiêm ngưỡng 99 ngọn núi lớn nhỏ, hình bầy voi quỳ hướng về núi Mẹ - núi Nghĩa Lĩnh uy nghi.
Lễ hội đền Hùng diễn ra trong một không gian rộng lớn từ ngã ba Bạch Hạc, TP. Việt Trì đến khu di tích đền Hùng – Lâm Thao – Phù Ninh…, nơi khởi nguồn của dân tộc, nơi sản sinh những giá trị văn hóa tinh thần vô giá. Những năm gần đây, lễ hội đền Hùng được tổ chức trọng thể, hoành tráng, linh thiêng, ấn tượng và có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đặc biệt là lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng với đủ đại diện của 64 tỉnh, thành trong cả nước, thể hiện lòng tôn kính của các con Lạc cháu Hồng, nói lên ý chí đoàn kết xây dựng non sông. Lễ vật dâng lên vua Hùng theo đúng truyền thống thờ cúng gia tiên của dân tộc, gồm: hương, đèn, rượu, trầu cau, nước lã, bánh dày, bánh chưng. Năm 2007, con cháu vua Hùng từ miền Nam xa xôi đã thể hiện tấm lòng thành bằng cách cung tiến một chiếc bánh chưng nặng 2 tấn và một tấm bánh dày nặng 01 tấn. Mở đầu lễ hội thường là màn trình diễn của đoàn nghệ sỹ tái hiện huyền tích thời vua Hùng với cảnh vua dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, có Lang Liêu dâng vua chiếc bánh chưng xanh, có Thánh Gióng oai phong trên ngựa sắt, nhổ tre dẹp tan giặc Ân…
Hoạt động văn hóa dân gian diễn ra khắp các địa phương tỉnh Phú Thọ trong thời gian lễ hội. Đó là các trò chơi dân gian như: thi nấu cơm, gói bánh chưng, bánh dày, đánh vật, múa rối nước, bắn nỏ, bịt mắt bắt dê… Đó là các hình thức văn nghệ như: hát xẩm, hát ví, hát trống quân, cò lả, hát chèo, tuồng… diễn ra ngoài các bãi rộng ở chân núi.
Lễ hội đền Hùng có chiều hướng ngày càng đông và kéo dài. Những năm gần đây có khi thu hút đến 70 – 80 vạn lượt du khách về dự hội.