![](/FileManager/mypicture/Vien-Phuc-thach-cua-Hoa-tha.jpg) |
Viên Phúc Thạch của Hòa Thân
|
Trong nghệ thuật vườn cảnh Trung Quốc, đá là một yếu tố không thể thiếu, nếu không nói là đặc biệt quan trọng. Núi là nơi sản sinh ra các loại đá, đá vì thế cũng được xem là vật linh thiêng, đáng được sùng bái, nhất là những viên đá có hình dạng kỳ quái vì được xem là những sản phẩm phi thường của tạo hóa. Từ thời Tần Hán, trong các ngự uyển hoàng gia hay trong các kỳ viên của những quý tộc quan lại cự phú đã xuất hiện những viên quái thạch mà để có được chúng người ta đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để kiếm tìm. Quái thạch thường được đặt trước các cung điện, lầu các hay bên cạnh lối đi giữa vườn, những nơi thuận tiện nhất để người ta thưởng lãm, vì thế cũng được gọi là “đình viên thạch”. Nghệ thuật “đình viên thạch” ngày càng phổ biến, nhưng người ta không thể kiếm đâu ra cho đủ những quái thạch để thỏa mãn nhu cầu chơi đá của mọi người, vì thế mới sinh ra việc xây các non bộ, phỏng theo hình dáng kỳ lạ của các viên đá hay núi đá trong tự nhiên.
Câu chuyện ly kỳ nhất về các quái thạch có lẽ là câu chuyện gắn liền với vị hoàng đế thời Tống - Tống Huy Tông. Ông vua bạc nhược về chính trị này lại là một thi nhân - họa gia - thư pháp gia xuất chúng, mỗi tác phẩm của ông đều là một báu vật đối với đời sau. Niềm đam mê tạo vườn và sưu tầm quái thạch của Huy Tông được kết tinh trong khu vườn Cấn Nhạc mà quy mô và vẻ đẹp của nó thường được so sánh với vườn uyển của thượng đế chốn thiên đàng! Vì thế, sau khi đánh bại Tống triều, vua Kim đã huy động một lực lượng binh thuyền khổng lồ để đưa hàng chục vạn viên đá từ Biện Lương về Yên Kinh. Hơn ngàn năm sau, du khách đến Bắc Kinh vẫn còn thấy những viên đá kỳ ảo của Tống Huy Tông trong công viên Bắc Hải hay trong Hậu Hoa Viên của Cố Cung.
Một truyền thuyết khác lại cho rằng, trong quá trình quân Kim vận chuyển đá từ Biện Lương về phương Bắc, nhiều viên quái thạch đã bị nghĩa quân người Hán đánh cướp lại và đem giấu đi. Về sau, chúng được đưa vào các khu vườn nổi tiếng của xứ Giang Nam, đặc biệt là ở Tô Châu.
Trung Quốc hiện tại có 4 viên đá được xếp vào hàng “đệ nhất quái thạch” thì 3 viên đã đặt ở Giang Nam, chỉ có một viên thuộc về phương Bắc.
BẠI GIA THẠCH
Viên đá được xếp hàng đầu trong “tứ đại quái thạch” là viên Bại Gia Thạch hiện đặt trong Di Hòa Viên ở Bắc Kinh. Đây cũng là viên đá lớn nhất trong số các quái thạch hiện còn trong vườn cổ Trung Quốc. Bại Gia Thạch được phát hiện từ đời Minh, bởi một viên quan giàu có sống tại kinh đô Bắc Kinh tên là Mễ Vạn Chung. Mễ Vạn Chung khi nhìn thấy khối đá xanh quái dị này ở vùng núi phía Tây đã sụp xuống lạy và cho đó là tảng đá thần từ trên trời rơi xuống. Sau đó ông đã tìm mọi cách để đưa “đá thần” về khu vườn “Sáo Viên” nổi tiếng của mình. Dốc hết tiền bạc, công sức nhưng vẫn không đủ để đưa khối đá khổng lồ (cao gần 2m, dài khoảng 3m, nặng vài chục tấn) về đến Sáo Viên, Mễ Vạn Chung đã bị khánh kiệt rồi chết trong cùng quẫn với niềm tiếc nuối không dứt về đệ nhất quái thạch. Cái tên “Bại Gia Thạch” từ đó lan truyền trong dân gian. Thời Thanh, hoàng đế Càn Long lại đầu tư một số lượng tiền bạc, công sức không nhỏ để đưa Bại Gia Thạch vào đặt bên trong Thanh Y Viên (sau đổi tên thành Di Hòa Viên) và chính thức đặt tên cho nó là Thanh Chi Tụ. Hơn thế, ông còn chọn được một viên đá có kích thước không kém để làm bệ nền cho Bại Gia Thạch, khiến bất cứ ai khi đứng trước viên quái thạch này càng cảm thấy nó thêm kỳ vỹ và thần bí. Ngày nay, mỗi khi du khách đến Di Hòa Viên đều có thể thỏa sức ngắm nhìn “Trung Quốc đệ nhất quái thạch” đặt gần phía đầu của dải trường lang nổi tiếng. Đây là một khối đá xanh hình gần như hạt đậu nhưng không đông đặc như loại đá xanh phương Bắc mà trên thân có vô số những hang lỗ kỳ ảo. Mặt sau viên đá có khắc 3 chữ Hán “Thanh Chi Tụ” cùng bài minh của hoàng đế Càn Long. Có một điều thú vị nữa là, do mang cái tục danh “Bại Gia Thạch” ấn tượng như vậy nên gần như chẳng có du khách người Trung Quốc nào dám chụp hình chung với viên đá này!
QUÁN VÂN PHONG
Quán Vân Phong đặt trong Lưu Viên ở Tô Châu. Lưu Viên là một trong “tứ đại danh viên” của Tô Châu (gồm Chuyết Chính Viên, Võng Sư Viên, Hoàn Tú Sơn Trang và Lưu Viên) và đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Khu vườn này có đến 12 viên quái thạch, nhưng nổi bật vẫn là Quán Vân Phong. Viên đá được đặt bên một ao nước nhỏ nằm trong khu giữa của vườn nên hình dáng khác lạ của nó lại càng nổi bật. Quán Vân Phong cao hơn 6,5m, dáng vẻ tựa như một người già đang cố đứng thẳng nhưng lưng vẫn còng xuống vì sức nặng thời gian. Tương truyền, thời Thanh, những lần hoàng đế Khang Hy và Càn Long du hành về Giang Nam, chủ nhân của Lưu Viên đã phải đem giấu Quán Vân Phong đi nơi khác vì sợ các Thanh đế trông thấy ắt sẽ bị mê hoặc và cướp đoạt mất.
NGỌC LINH LUNG
Ở Thượng Hải, nằm trong khu vườn Dự Viên nổi tiếng là một quái thạch lừng danh khác - viên Ngọc Linh Lung, đặt sau bức bình phong ở giữa vườn.
Tương truyền, ngay từ thời Tống, giữa vô số những quái thạch như rừng tập trung trong Cấn Nhạc, Tống Huy Tông vẫn say mê Ngọc Linh Lung hơn cả. Ông cũng đã từng làm nhiều thơ, vẽ nhiều bức họa về viên đá đặc biệt này. Chẳng rõ cơ duyên như thế nào mà Ngọc Linh Lung lại lọt khỏi tay quân Kim và lưu lạc trong dân gian rất lâu. Mãi đến thời Thanh, viên quan cự phú họ Phan khi xây dựng Dự Viên đã tình cờ phát hiện ra viên đá, ông bỏ rất nhiều tiền bạc để “chuộc” lại quái thạch rồi đưa nó về một trong những khu vườn đẹp nhất của Giang Nam.
SẤU TÂY HỒ
Điều mà tôi cảm thấy đáng tiếc nhất trong chuyến đi về Giang Nam suốt hơn một tháng trời là đã không về Dương Châu để ngắm nhìn Sấu Tây Hồ và viên đá cuối cùng trong “tứ đại quái thạch” của Trung Quốc. Nghe nói đó cũng là một viên đá tuyệt đẹp gắn liền với vô số huyền thoại kể từ khi nó còn thuộc về Cấn Nhạc hơn ngàn năm trước. Trở lại Bắc Kinh, rồi sau đó lên Đông Bắc để thăm hành cung Nhiệt Hà, dù được thưởng lãm thêm không ít quái thạch có vẻ đẹp lạ lùng, như viên Kê Sư Thạch ở Tây Hải, Phi Lai Thạch trong hoa viên phủ Hòa Thân... tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối...
Bài và ảnh: PHAN THANH HẢI