Không gian văn hóa linh thiêng của dân tộc
Lễ hội đền Hùng hình thành và phát triển tại Khu di tích lịch sử quốc gia đền Hùng với hệ thống các công trình tín ngưỡng: các ngôi đền, chùa, gác chuông, lăng mộ, bia ký, tháp… được các thế hệ cha ông tạo dựng trên một vùng “hội nhân, tụ thủy”, “sơn thủy hữu tình” đã tạo nên khí thiêng sông núi. Trong xu thế phát triển và đổi mới của đất nước, Khu di tích lịch sử đền Hùng đã được mở rộng và tu bổ nên có diện mạo ngày càng khang trang, to đẹp, văn minh hơn nhưng không mất đi nét trầm mặc, trang nghiêm, linh thiêng tự bao đời.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Lịch sử đã chứng minh từ xưa đến nay, Lễ hội đền Hùng không chỉ được cộng đồng cư dân vùng đất Tổ Phú Thọ quan tâm, mà đồng bào cả nước luôn coi đó là những nghi lễ thiêng liêng để tri ân báo hiếu tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc.
Sau phần nghi lễ linh thiêng, hội đền Hùng xưa mang những nét văn hóa truyền thống của hội làng, với các trò chơi, trò diễn tưng bừng như: kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người, cờ tướng, thổi cơm thi, bách nghệ khôi hài, hát xoan, rước Chúa gái… Hầu hết các trò chơi, trò diễn trong Lễ hội đền Hùng phản ánh cuộc sống sinh hoạt của con người, phản ánh sự tiến bộ trong quá trình chinh phục và cải tạo thiên nhiên của con người.
Lễ hội đền Hùng ngày nay quy tụ được các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tiêu biểu trong phong trào văn hóa, thể thao quần chúng của các vùng, miền trong cả nước; là dịp để các tỉnh thành giao lưu, giới thiệu với bạn bè cả nước về tiềm năng văn hóa, thể thao và du lịch, đáp ứng yêu cầu giáo dục cũng như yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của nhân dân và du khách trong thời đại mới.
Lễ hội đền Hùng đã tạo cho vùng văn hóa Đông Bắc và vùng văn hóa Phú Thọ một không gian văn hóa rộng lớn (Không gian hội giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng) của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc của cả nước, tạo điều kiện cho văn hóa đất Tổ, văn hóa vùng Đông Bắc tiếp thu làm giàu thêm bản sắc văn hóa của chính địa phương mình, tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam hướng về cội nguồn, tham gia các hoạt động văn hóa, tỏ lòng biết ơn báo hiếu tri ân tổ tiên, hiểu thêm về công lao của các vua Hùng, ý thức được trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt những năm qua, hàng triệu du khách về tham dự Lễ hội đền Hùng và tham quan đền Hùng, đã xúc động ghi lại cảm nghĩ, ấn tượng sâu sắc của mình. Theo số liệu của Khu di tích lịch sử đền Hùng, từ năm 1969 đến tháng 11/ 2015, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng đã tổng hợp được 25 cuốn sổ vàng lưu niệm với gần 2000 lời ghi cảm tưởng của các đoàn khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội đền Hùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa du lịch
Lễ hội Đền Hùng đã đem lại nguồn lợi kinh tế lớn nhất cho tỉnh Phú Thọ thông qua nguồn thu từ du lịch. Lượng du khách không ngừng tăng lên qua các năm đã mang đến lợi ích kinh tế cho cộng đồng cư dân xung quanh khu vực đền Hùng và các vùng phụ cận, đặc biệt là cư dân của thành phố Việt Trì, trung tâm tỉnh lỵ Phú Thọ, nơi có Khu di tích đền Hùng, Lễ hội đền Hùng.
Hiện nay, xu hướng du lịch sinh thái gắn với du lịch tín ngưỡng tâm linh đang thịnh hành. Giá trị Lễ hội đền Hùng đang được tôn vinh và phát huy dưới góc độ kinh tế du lịch, như một tài nguyên du lịch đặc sắc nên đã thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Có thể nhận thấy, khai thác giá trị của Lễ hội đền Hùng nhằm phát triển kinh tế du lịch cho địa phương là một hướng đi cần phải quan tâm, đầu tư hợp lý để khai thác hiệu quả.
Bảo tồn, phát huy Lễ hội đền Hùng trong phát triển du lịch tâm linh
Lễ hội đền Hùng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến Lễ hội đền Hùng - chọn đây là ngày Quốc lễ của toàn dân tộc. Chính vì vậy, Lễ hội đền Hùng là lễ hội duy nhất được đưa vào danh mục các ngày lễ lớn của đất nước được quy định tổ chức có tính chính thống cấp quốc gia.
Hiện nay, thách thức lớn nhất là vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn tính đa dạng văn hóa - do đó những nét bản sắc dân tộc cần đặt lên hàng đầu. Không thể loại trừ nguy cơ Lễ hội đền Hùng sẽ bị biến dạng, nếu như không có biện pháp bảo tồn với quan điểm phù hợp và thái độ ứng xử với lễ hội một cách khoa học phù hợp với xu thế phát triển của đời sống thực tiễn và tôn trọng cộng đồng. Do đó, mục tiêu chung về công tác bảo tồn cần đạt được là: bảo tồn và kế thừa có chọn lọc các di sản văn hóa trong sinh hoạt lễ hội, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của lễ hội dân gian để phát huy lễ hội trong đời sống xã hội hiện nay. Để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn lễ hội nói chung và Lễ hội đền Hùng nói riêng gắn với phát triển du lich tâm linh cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Bảo tồn nội dung Lễ hội đền Hùng
Ổn định mô hình lễ hội theo các tiêu chí lễ hội quy mô cấp quốc gia có sự tham gia của cộng đồng cả nước, trong đó lấy cộng đồng cư dân tỉnh Phú Thọ là chủ thể tham gia thực hành các nghi lễ, cộng đồng này phải giữ vai trò chủ đạo tổ chức và trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian vùng đất Tổ trong lễ hội.
Phục dựng các trò chơi, trò diễn, tích diễn dân gian. Trên cơ sở ký ức dân gian phục dựng có chọn lọc, nâng cao phần lễ, phần hội đã có đảm bảo tính phù hợp và thể hiện sinh động các yếu tố di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần bảo tồn, cả phần lễ và phần hội.
Giải pháp về chính sách phát triển kinh tế du lịch
Tỉnh Phú Thọ cần phát huy những tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa lễ hội để tập trung xây dựng các khu, điểm du lịch lễ hội, gắn với các tour, tuyến du lịch tâm linh của tỉnh Phú Thọ mà điểm đến là đền Hùng. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, hoạt động văn hóa lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng về việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc. Nâng cao nhận thức của cư dân địa phương với vai trò là cư dân vùng chủ lễ để họ có chuẩn mực văn hóa trong việc đón tiếp du khách trong nước và quốc tế về dự lễ hội.
Phú Thọ cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách, từng bước đưa Du lịch Phú Thọ thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với Lễ hội đền Hùng, cần có kế hoạch tổng thể cho các lễ hội trong vùng, trong tỉnh và liên tỉnh, bảo tồn và phát huy tính độc đáo, đặc sắc của từng lễ hội, tạo ra sự đa dạng văn hóa trong hoạt động lễ hội. Việc khai thác nội dung hoạt động lễ hội, kinh doanh du lịch phải đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Tránh xu hướng thương mại hóa, kịch bản hóa để chạy theo lợi nhuận kinh tế sẽ dẫn tới hậu quả là làm méo mó, sai lệch bản chất của di sản văn hóa và trong trường hợp này là di sản văn hóa Lễ hội đền Hùng. Cần tạo môi trường du lịch văn hóa (hoặc du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái - văn hóa) gắn với sinh hoạt lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng. Tổ chức, thiết kế, xây dựng các tour, tuyến du lịch theo các tuyến tín ngưỡng, sinh thái, di sản… nhằm phát huy thế mạnh của vùng đất Tổ Phú Thọ. Kết nối, phối hợp với các địa phương, khu vực trong cả nước nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội.
Tuyên truyền quảng bá về lễ hội
Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị của Lễ hội đền Hùng thông qua nhiều hình thức. Với mục đích di sản hướng về cộng đồng và tổ chức lễ hội vì cộng đồng, lễ hội hướng tới cộng đồng, do đó giải pháp tuyên truyền quảng bá về lễ hội là rất quan trọng. Cần tuyên truyền về nếp sống văn hóa văn minh trong lễ hội, giáo dục phổ biến các văn bản Luật, văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện đối với việc quản lý, tổ chức, thực hiện lễ hội.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lễ hội, bảo tồn không gian tâm linh linh thiêng của lễ hội
Lễ hội đền Hùng được thực hiện trong không gian thiêng đền Hùng, vì vậy để lễ hội đạt hiệu quả cần phải có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử đền Hùng và các di tích hạt nhân cận khu vực đền Hùng. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử đền Hùng, quy hoạch không gian thiêng hành lễ, không gian hội, không gian du lịch sinh thái, xây dựng các khu vui chơi giải trí hợp lý. Đầu tư nâng cấp cải tạo mở rộng quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đền Hùng tương xứng tầm vóc với vị thế của Lễ hội đền Hùng, đưa khu di tích này trở thành Công viên lịch sử quốc gia.
Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, cải tạo nâng cấp các công trình đã có, xây mới những công trình đáp ứng nhu cầu dịch vụ chất lượng cao và lượng du khách ngày càng tăng.
Xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội
Lượng du khách tham gia hoạt động Lễ hội đền Hùng không ngừng tăng hàng năm, vì vậy việc xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội cần tập trung vào các nội dung: tuyên truyền cho du khách hiểu về các giá trị di sản văn hóa của các danh nhân và di tích, có thái độ trân trọng khi tham quan, hành lễ và tham gia hội; chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế sinh hoạt lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; giáo dục ý thức thực hiện nếp sống văn minh cho các cá nhân, đơn vị tham gia quản lý và sinh hoạt lễ hội; phòng chống các hiện tuợng mê tín dị đoan.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổ chức phục vụ Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng là lễ hội lớn nhất nước, do đó nguồn nhân lực phục vụ Lễ hội đền Hùng cần có kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, am hiểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, tâm huyết với nghề. Tập trung đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên; trong đó cần một số người có trình độ ngoại ngữ có thể hướng dẫn du khách nước ngoài tại các danh thắng, di tích Lễ hội đền Hùng.
Bên cạnh đội ngũ cán bộ quản lý, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng cần chú trọng liên kết với các chuyên gia, các nhà khoa học và cộng đồng để tổ chức thành công lễ hội.
Tạp chí Du lịch
TS. Trần Thị Tuyết Mai*