Theo thông tin từ Ban Tổ chức công bố tại họp báo quốc tế ngày 19/12/2017 tại Hà Nội, Di sản văn hóa Huế là điểm nhấn đặc biệt tại Festival Huế 2018. Tham dự Festival Huế 2018, du khách trong nước và quốc tế có cơ hội tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến tríc Cung đình Huế (2016). Mới đây, Huế cùng với 11 tỉnh thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017, đó là nghệ thuật Bài chòi.
Trung tâm Đại Nội vẫn là hạt nhân không gian văn hóa truyền thống của Festival Huế 2018, nơi diễn ra các sân khấu ngoài trời và trong nhà, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đặc biệt, điểm nhấn thú vị và ấn tượng trong các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018 là chương trình sân khấu hóa với tên gọi “Văn hiến kinh kỳ” được kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu. Chương trình triển khai trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện liên quan để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, các sân khấu ở Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, Bia Quốc Học, các sân khấu cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế và một số huyện, thị xã, các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.
Qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã trở thành điểm hẹn hai năm một lần cho các chương trình nghệ thuật, các lễ hội và hoạt động văn hóa cộng đồng đa sắc màu. Festival Huế 2018 sẽ có mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chilê, Australia, Ma rốc… Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên - Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế và sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Các chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra xuyên suốt trong 6 ngày đêm, bao gồm: Chương trình nghệ thuật Khai mạc (20h00 ngày 27/4/2018); Chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” (19h30 các ngày 28/4 và 30/4/2018); Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc” (từ 26 - 28/4/2018); Chương trình Áo dài (20h00 ngày 29/4/2018); Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn (20h00 ngày 28/4/2018); Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin” của Phật giáo Thừa Thiên - Huế (20h00 ngày 1/5/2018); Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hóa” (16h00 các ngày từ 28/4 - 2/5/2018); Chương trình “Những tình khúc Huế” (19h30 ngày 29/4/2018); Chương trình nghệ thuật Bế mạc (20h00 ngày 2/5/2018). |
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện chương trình xã hội hóa, hoạt động văn hóa cộng đồng hưởng ứng Festival Huế 2018. Hàng loạt trưng bày, triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau cũng diễn ra trong suốt Festival.
Một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Festival Huế diễn ra trong năm 2018 cũng gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa có ý nghĩa của Thừa Thiên - Huế và của đất nước: kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788 - 2018); 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993 - 2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003 - 2018).
Phát biểu tại họp báo quốc tế về Festival Huế 2018 vào ngày 19/12/2017, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Bộ VHTTDL sẽ trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan trong Bộ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với Festival Huế như liên hoan chầu văn, hay chuỗi hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch gắn với những nội dung và chương trình hoạt động của Festival Huế 2018. Kỳ vọng rằng, với sự vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sự chung sức quảng bá, giới thiệu của các cơ quan thông tấn báo chí, Festival Huế 2018 sẽ thành công một cách tốt đẹp, thể hiện được dấu ấn đậm nét đúng tinh thần cố đô Huế - 1 điểm đến 5 di sản.
Hoa Trang