Từ sân khấu “Tứ phủ” đặc sắc…
“Tứ phủ” là công sức và tâm huyết của đạo diễn Việt Tú, người đã dành 3 năm tìm hiểu và 1 năm lên ý tưởng dàn dựng chương trình với mong muốn tạo dựng được nghi lễ lên đồng gốc của người Việt; trả lại nguyên bản cái hay, cái đẹp, sự trong sáng, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong đạo Mẫu để giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế mỗi lần ghé thăm Hà Nội. Chương trình đã diễn ra đều đặn hơn 6 tháng nay tại rạp Công Nhân với tần suất 12 buổi diễn/tháng. Rạp Công Nhân vốn chỉ quen thuộc với các vở kịch, nay trở thành không gian mang yếu tố trình diễn, thưởng lãm truyền thống tâm linh tinh tế và đặc sắc. Ở sảnh chính là không gian trưng bày với một ban sơn trang vàng mã lớn của những “giá hầu”, ngựa giấy, voi giấy như một tác phẩm sắp đặt. Cách bày trí mang lại cảm giác về một không gian tâm linh đầy đủ, như một sự dẫn dắt về yếu tố thị giác trước khi mở màn phần trình diễn chính.
“Tứ phủ” gồm ba giá: Chầu Đệ Nhị, Ông Hoàng Mười và Cô bé Thượng Ngàn. Những động tác nhập đồng của diễn viên trình diễn trực tiếp trên sân khấu kết hợp cùng hiệu ứng của những đoạn video miêu tả theo thánh tích của Thánh nhân được đặc tả đến từng chi tiết hình ảnh với tông màu lộng lẫy vừa đậm chất dân tộc vừa mang tính hiện đại. Hai người hầu dâng vốn trước đến nay không gây được sự chú ý, nhưng trên sân khấu “Tứ phủ” trở thành điểm nhấn chính với sự lên xuống phối hợp nhịp nhàng cho phần khăn áo của Thanh đồng. Ví như trong Giá đồng “Cô bé Thượng Ngàn”, Thanh đồng vào vai Cô bé Thượng Ngàn, vui tươi nhí nhảnh hát ca, trên phông hình là những dãy núi bao la, những cánh chim bay, thiên nhiên tươi đẹp, thánh nhân hiện hữu và gần gũi. Có thể nói, cách tiếp cận mang phong cách dùng tư tưởng hiện đại để làm nổi bật yếu tố truyền thống đã mang đến những hiệu quả đặc biệt: vừa chuyển tải văn hóa truyền thống đến gần hơn với đông đảo công chúng, vừa thể hiện cách nhìn trung thực về văn hóa, tư duy của tác giả trong cấu trúc của tác phẩm miêu tả những nét đẹp, tinh tế và nguyên bản nhất của nghệ thuật trong đạo Mẫu. Nghi thức lên đồng vốn nằm trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng nên có môi trường ở cộng đồng, vì vậy, để thực hành nghi thức này trên sân khấu là một việc rất khó. Tuy nhiên, có thể nói đạo diễn Việt Tú đã khá thành công khi dành nhiều tâm huyết xây dựng nên vở diễn này.
Bà Katherine Muller-Marin, đại diện UNESCO sau khi xem “Tứ phủ” đã nhận xét: Giá trị và tầm quan trọng của các Thánh Mẫu là động lực để nỗ lực hướng tới bình đẳng giới. Truyền thống tư duy tiến bộ từ hàng nghìn năm trước và lòng tự hào dân tộc đã thể hiện sự thông thái thắm đượm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt...
…nghĩ về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Từ xưa tới nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn có một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hóa của bất kỳ quốc gia nào, là niềm tự hào cũng như sự nhận diện của mỗi dân tộc mỗi khi bước ra thế giới. Ở Việt Nam, bên cạnh rối nước, tuồng, chèo, ca trù…, một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt có không gian diễn xướng sinh động, đa giác quan nhất là hát văn, hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu với nghìn năm lịch sử của dân tộc.
Đạo Mẫu trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt là đạo thuần Việt, là tín ngưỡng mang tính bản địa rõ nét, hoàn toàn không du nhập từ bên ngoài. Người Việt quan niệm thế giới tự nhiên được chia thành bốn phủ: trời, đất, rừng, nước dưới sự cai quản của bốn vị thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải); thờ cúng các thánh Mẫu cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thần tứ phủ. Từ tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy rằng tổ tiên ta từ xa xưa đã xác nhận việc quan tâm tới bảo vệ môi trường và bình đẳng giới. Thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội, thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.
Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, làm ăn, buôn bán, những niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay hiểu biết về đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như hầu đồng, hát chầu văn chưa được đầy đủ, vẫn còn có nhiều ý kiến cho rằng đây là mê tín, dị đoan, buôn thần, bán thánh bởi một số cá nhân cố tình thực hành sai, bóp méo tín ngưỡng để trục lợi cá nhân. Chính vì vậy gần đây, những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu được giới nghiên cứu cũng như công chúng quan tâm nhiều hơn. Nhiều sự kiện thường niên và quy mô được tiến hành như Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu; hoạt động giao lưu Liên hoan nghi lễ lên đồng tại các nước Pháp, Hàn Quốc; chương trình “Chầu văn - nghi thức thờ Mẫu trong các giá đồng” thường xuyên tại Heritage Space (Hà Nội) của NSƯT Văn Ty; hay mới đây là vở diễn “Tứ phủ” do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Nhà hát Việt phối hợp tổ chức… Đó chính là những cố gắng để đưa nghi lễ lên đồng lên sân khấu chuyên nghiệp, nâng cao nhận thức về tín ngưỡng thờ Mẫu, xây dựng sự đồng thuận và đưa nghệ thuật hầu đồng đến với công chúng trong nước, quốc tế...
Có thể nói, “Tứ phủ” là một bước tiến góp phần giới thiệu vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu trên hành trình đến với danh hiệu Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. “Tứ phủ” bước đầu đã được các nhân vật văn hóa hàng đầu thế giới như nhà thiết kế Kenzo, đại diện các tổ chức di sản văn hóa quốc tế tại Việt Nam như UNESCO, các chính khách, đại sứ các nước tại Việt Nam… ghi nhận; bên cạnh đó, cũng đã mở ra một hoạt động nghệ thuật mới, thêm trải nghiệm văn hóa cho du khách khi tới Hà Nội.
Trang Lê
Tạp chí Du lịch