Lãnh đạo ngành hàng không hội ngộ tại Đà Nẵng để tái thiết kết nối hàng không khu vực
Diễn đàn phát triển đường bay châu Á Routes Asia lần thứ 18 sẽ chào đón các Chủ tịch/Phó Chủ tịch và các lãnh đạo hoạch định mạng lưới đường bay từ hơn 80 hãng hàng không hàng đầu khu vực. Tại sự kiện, sẽ diễn ra hơn 1.500 cuộc họp giữa các bên liên quan, gồm hãng hàng không, sân bay và điểm đến. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào phương thức các bên có thể phối hợp để khôi phục mạng lưới đường bay, tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những người ra quyết định từ hơn 20 hãng hàng không hàng đầu của Trung Quốc cũng sẽ tham gia vào các cuộc họp trực tuyến, do các hạn chế đi lại hiện tại, bao gồm Air China, China Eastern, China Southern và Hainan Airlines.
Sự kiện cũng sẽ quy tụ hơn 25 diễn giả từ các hiệp hội thương mại, ban giám đốc hãng hàng không, sân bay và các bộ, ngành của Chính phủ trong ba ngày, để cung cấp hơn 15 giờ hội thảo, toạ đàm nhằm đề ra kế hoạch hành động cho các đại biểu.
Các chủ đề sẽ được khám phá tại sự kiện bao gồm tác động của COVID-19 đối với hành vi của người tiêu dùng và xu hướng du lịch, và các chiến lược hiệu quả nhất để khôi phục nhu cầu thị trường.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022. Từ sự kiện này, Đà Nẵng sẽ tiếp tục khẳng định với các đại biểu quốc tế là một điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, là trung tâm phát triển hàng không, du lịch năng động của Việt Nam và khu vực. Chúng tôi đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị chào đón Diễn đàn phát triển đường bay châu Á đến với thành phố Đà Nẵng”.
Mặc dù việc đi lại bị hạn chế do dịch bệnh song triển vọng giao thông của ngành hàng không trong khu vực vẫn phát triển mạnh mẽ. Điều này đã tạo động lực để Đà Nẵng tự tin thúc đẩy các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay nhằm tăng công suất lên 28 triệu hành khách vào năm 2030 và tăng 200.000 tấn hàng hóa vào mỗi năm. Qua việc đăng cai sự kiện Routes Asia 2022, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang từng bước kích hoạt ngành du lịch địa phương và định vị thành phố biển như một trung tâm kinh doanh, đổi mới, logistics, tài chính và văn hóa trong thập kỷ tới.
Steven Small, Giám đốc thương hiệu Informa Routes, cho biết: "Chúng tôi tự hào đã có thể tập hợp rất nhiều thành viên của cộng đồng hàng không – du lịch, mặc cho các hạn chế đi lại vẫn hiện hữu. Routes cũng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số vào sự kiện để phục vụ các đối tác không thể tham dự trực tiếp. Và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, với tư cách là một doanh nghiệp, để hỗ trợ khu vực này trong quá trình phục hồi đang tiếp diễn".
Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tổ chức các gian hàng trình diễn nhạc cụ dân tộc và trình diễn múa; đan nón lá thủ công và vẽ điểm đến Đà Nẵng trên nón... Bên cạnh đó còn có một chatbot du lịch Danang Fantasticity và một robot thông minh di chuyển xung quanh tương tác với khách đến tham quan quầy và cho khách scan QR code các voucher của công ty IPP Travel Retail. Sở cũng tổ chức chương trình khảo sát điểm đến, kết nối với các hãng hàng không quốc tế; tổ chức tiệc chào mừng, tiệc kết nối; tổ chức chương trình city tour tham quan dành cho đại biểu Routes; diễu hành thuyền hoa. Ngoài ra còn có các hoạt động do các Sở, Ban, Ngành khác của Đà Nẵng chủ trì như: Diễn đàn “Đà Nẵng – Điểm đến tiềm năng của châu Á”; trưng bày ảnh đẹp; trưng bày sản phẩm OCOP; tổ chức điểm âm nhạc tại các tuyến đường chính của TP. Đà Nẵng.
Lan Phương