Tà Nung vốn là một xã trực thuộc thành phố Đà Lạt, xưa làm nghề trồng dâu nuôi tằm cách Đà Lạt 25km đi hướng Cam Ly. Xưa, người ta chỉ biết đến nơi này bởi Thác Voi, mà Thác Voi thì không thu hút khách cho lắm, chủ yếu xe lướt qua là để đi Nam Bang hoặc Lâm Hà. Còn giờ đây dân phượt cứ phóng xe đi Tà Nung để khám phá, nơi chốn ấy thật rộn ràng.
Rời khỏi thác Cam Ly, đi tiếp qua xóm làng là gặp Làng hoa Vạn Thành. Làng hoa có những ngôi nhà kính, san sát bên đường. Đừng ngại ngùng dừng xe để tò mò vào một chỗ nào đó. Chúng tôi chọn lựa nơi một cánh cửa đã mở, người công nhân đang thu hoạch hoa đồng tiền. Ở đây, mỗi lồng trồng một loài hoa khác nhau, riêng hoa đồng tiền thì lại trồng xen nhiều màu, theo từng luống. Anh công nhân chỉ cúi người, chọn những đóa hoa đã đạt chuẩn, bứt mạnh rồi xếp thành bó trên lối đi.
Bạn có thể mượn bó hoa vừa hái ấy để chụp ảnh, hoặc mua với giá vài chục ngàn coi như là ủng hộ vườn hoa. Tất nhiên là bất cứ ai vào vườn hoa cũng tự nhiên trở nên hòa nhã, không giẫm đạp lên hoa và xin phép chủ vườn để chụp ảnh.
Rời khỏi làng hoa Vạn Thành là một cung đường đèo, đây là con đường nếu đi miết sẽ tới Lâm Hà - nơi định cư của người Hà Nội sau năm 1975, được biết đến bởi đặc sản cà phê cây cao (ở Lâm Hà để cây cà phê lên cao thoải mái chứ không cắt ngọn, khi thu hoạch phải dùng thang để hái).
Qua con đèo cao lên, chùng xuống, vẫn còn dấu vết màu đất đỏ khi xẻ đường, trong cái lạnh cao nguyên thật là vô cùng thú vị. Cung đường này vắng vẻ, thỉnh thoảng gặp từng đoàn xe máy đang dừng lại ven đường ngắm cảnh hay lao xe đi là dân phượt chính tông với ba lô chứa đủ đồ cho chuyến đi cột chặt phía sau xe. Hai bên là lũng sâu với màu xanh cây cỏ, những ngôi nhà ẩn hiện, khói bếp tỏa bay cao lên ngàn cây, hay những đồi thông nối tiếp đồi thông làm mê đắm lòng người. Cảm giác qua đèo Tà Nung giống như ta đang lênh đênh trên một cung đường trập trùng sương khói. Những ngọn cỏ, thông xanh và muôn vàn hoa dại hững hờ chen hai bên đường làm thỏa tầm mắt.
Tà Nung chỉ là một thị trấn nhỏ, người dân ở đây đa phần là dan bản địa sống bằng nghề trồng trọt. Đi qua Tà Nung lại gặp những nhà kính trồng hoa, trồng rau. Dăm quán cà phê nho nhỏ, dăm hàng tạp hóa…, nói chung là nơi đây rất quen mà thân.
Chùa Vạn Đức nằm bên đường, nhận ra rõ ràng với một tảng đá lớn khắc trên đó: “Chùa Vạn Đức”. Đi thẳng con đường vào chùa, để xe và tự do ngắm cảnh.
Ngôi chùa nổi tiếng khi biết bao nhiêu người không có điều kiện lên Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch muốn tận mắt chiêm ngưỡng loài hoa hoang dã này tìm tới. Các sư thầy ở chùa gây hoa trồng ngay bãi đất trống trước cổng chùa và ngay cả vườn hoa trong chùa. Có thể thấy là hoa tam giác mạch ở đây màu sắc không đẹp và có thể bối cảnh phố thị không phù hợp cho hoa tạo cảnh quan, nhưng nhiêu đó cũng đủ thỏa lòng những bước chân tìm tới.
Ở chùa Vạn Đức còn có nhiều loại hoa khác như hoa mua nở tím và các tượng, tiểu cảnh. Sự thanh tịnh và yên ắng của ngôi chùa cũng là điểm nhấn cho sự lưu luyến tìm tới.
Vào đầu năm 2017, rất nhiều trại hoa ở đây mở cửa cho du khách ngắm hoa hướng dương miễn phí, do hoa trồng quá lứa, cận tết thương lái không thu mua. Chính những vườn hoa hướng dương ở Tà Nung đã khiến cho nơi này càng được biết đến. Nay, các vườn hoa hướng dương trở thành điểm đến cho khách check in, Những chủ vườn không áp đặt giá mà khách muốn gởi bao nhiêu tiền tham quan tùy hỉ.
Hướng dương ở đây cao, cho nên chủ vườn tạo ra những lối đi, đặt sẵn những chiếc ghế dựa để khách có thể đứng ở tầm cao chụp ảnh. Ngoài hoa hướng dương mà nếu thích có thể mua về làm kỷ niệm với giá 5.000 đồng/bông, Tà Nung còn có các loại rau sạch như súp lơ, củ cải đỏ, atiso, bắp cải… để bạn mua cho cuộc hành trình.
Tà Nung hiền hòa trong hương hoa, trong mùi của những giọt sương mai đang tan dần trong nắng sớm, là khe khẽ âm thanh của tiếng nói cười người đi ngang, là tầm mắt choáng ngợp giữa mênh mông rau xanh và muôn hoa. Ở đó, tôi đã đến và chần chừ rời khỏi, luôn tìm cách trở lại.
Cuộc thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"
Cuộc thi viết “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 – 31.5.2018.
Giải thưởng: 2 giải nhất – 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.
Thể lệ chi tiết xem tại đây.
Bài dự thi xin gửi về:
Ban tổ chức cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”
Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (024) 35330305
Email: dulich@laodong.com.vn
|
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Nguồn: laodong.com.vn