Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp đã được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Từ TP. Mỹ Tho, theo quốc lộ 1A khoảng 100km về phía Tây, du khách sẽ đến làng cổ Đông Hòa Hiệp. Làng có 6 ấp với hơn 3.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái các loại: xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa Vĩnh Kim… và các nghề thủ công truyền thống như: làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa… Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ với niên đại trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê tạo vẻ đẹp dân dã, thơ mộng.
Một trong số những điểm tham quan nổi bật ở làng Đông Hòa Hiệp là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Hai ngôi nhà này không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay đón khách quốc tế.
Nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt được dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m² mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm, đã được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam. Khách đến đây dưới hình thức du lịch homestay sẽ được gia chủ sắp xếp chu đáo chỗ ăn, nghỉ và hướng dẫn tận tình nếp sinh hoạt theo gia đình.
Nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của ông Phan Văn Đức mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam Bộ và Pháp. Đến thăm nhà cổ của ông Đức, du khách có thể nghỉ lại và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ ngay tại vườn cây ăn trái.
Đến Đông Hòa Hiệp, du khách sẽ có dịp tản bộ trên những con đường nằm len lỏi dưới những vườn cây ăn trái, cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử…
Nhờ có loại hình du lịch đặc trưng và vị trí thuận lợi về giao thông (từ bến tàu thủy du lịch Cái Bè có thể nối tuyến với các điểm du lịch ở Cái Mơn của tỉnh Bến Tre và Bình Hòa Phước của tỉnh Vĩnh Long), trong tương lai, Đông Hòa Hiệp sẽ trở thành điểm đến tiêu biểu về loại hình du lịch sinh thái gắn với sông nước, miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trang Thu