Ngành Du lịch đã tiến hành lập dự án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2008-2015, định hướng đến 2020, từng bước quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và khai thác một số khu, tuyến, điểm du lịch hấp dẫn (trong số 68 điểm du lịch về văn hóa, lịch sử; 10 điểm du lịch về lịch sử cách mạng, 21 điểm du lịch về sinh thái nghỉ dưỡng), nhất là Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch luôn được quan tâm, đặc biệt chú trọng đến đội ngũ quản lý, kinh doanh du lịch. Công tác xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá du lịch luôn được chú trọng, góp phần giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum, kêu gọi du khách và các nhà đầu tư đến với Kon Tum.
Hiện nay, giá trị sản xuất ngành du lịch tỉnh chiếm tỷ trọng còn tương đối nhỏ; nhưng thời gian tới, nếu tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp khai thác tốt các tiềm năng du lịch, ngành Du lịch Kon Tum sẽ có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Căn cứ các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, dự án, kế hoạch về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến 2030 đã được phê duyệt, có thể hoạch định nhiệm vụ và giải pháp về tái cơ cấu lĩnh vực du lịch tỉnh Kon Tum như sau:
Giai đoạn 2014 – 2015: Tập trung huy động các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đặc biệt là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, trong đó, chú trọng hoàn thành xây dựng đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Kon Tum (giai đoạn 2) và các đường xương cá thuộc mạng lưới nối trục với đường Hồ Chí Minh; hoàn chỉnh công tác đầu tư QL 14 và 14C đoạn qua tỉnh Kon Tum; nâng cấp hệ thống giao thông của tỉnh, trong đó chú trọng hệ thống giao thông nối trung tâm Măng Đen với các khu vực của tỉnh và miền Trung – Tây Nguyên; nâng cấp sân bay Măng Đen thành sân bay taxi; xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm đáp ứng nhu cầu của du khách và đủ sức tổ chức các hội thảo, hội nghị quy mô lớn. Lựa chọn một số làng văn hóa của các dân tộc thiểu số tiêu biểu ở các địa bàn có tài nguyên du lịch khác nhau; trước mắt là ở thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông để đầu tư thành các làng du lịch văn hóa, sinh thái, thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển.
Giai đoạn 2016 – 2020: Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trên cơ sở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ trong giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020 tập trung xây dựng các loại hình du lịch tiêu biểu, đặc trưng, riêng biệt của Kon Tum để thu hút du khách. Xây dựng các tour, tuyến điểm du lịch văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… trên cơ sở khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn như ngục Kon Tum, nhà thờ Gỗ Kon Tum, tòa giám mục Kon Tum; di tích chiến tranh như đồi Charlie, chiến trường xưa Đăk Tô - Tân Cảnh; di tích lịch sử ChưTankra; khu căn cứ tỉnh ủy; ngục ĐăkGlei gắn với đường Hồ Chí Minh; các di sản văn hóa thế giới như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; các di chỉ khảo cổ học giá trị tầm cỡ khu vực như di chỉ khảo cổ học Lung Leng để tạo tính hấp dẫn thu hút du khách. Phát triển các tuyến du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên du lịch tự nhiên với các cảnh quan thiên nhiên đẹp của sông, hồ, suối, thác, núi non hùng vĩ còn đậm nét hoang sơ của Kon Tum như vườn quốc gia ChưMomRay, rừng đặc dụng Đăk Uy, hồ thủy điện Yaly, Plei Kroong… gắn kết với các điểm du lịch khác của Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen cơ bản thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách có mức chi tiêu cao. Đẩy mạnh loại hình du lịch caravan qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y và theo tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây…
Thị trường khách du lịch chính của tỉnh Kon Tum là thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; trong đó chú trọng thị trường khách từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận. Mở rộng liên kết thị trường khách du lịch quốc tế qua các nước nằm trong khu vực tam giác phát triển, các nước nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Liên kết hợp tác với các hãng lữ hành trong và ngoài nước để phát triển thị trường khách du lịch quốc tế qua các nước Lào - Thái Lan - Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tăng cường liên kết hợp tác du lịch với các thị trường trọng điểm như Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, TP. Chí Minh, các nước nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phối hợp liên kết xúc tiến đầu tư, tuyên truyền quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch… nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn mang tính đặc trưng riêng của từng vùng miền, quốc gia để thu hút du khách.
Tỉnh Kon Tum, cửa ngõ cực Bắc Tây Nguyên, có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; có vị trí quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển du lịch Tây Nguyên và cả nước. Du lịch Kon Tum được quy hoạch xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Kon Tum đón 370.000 lượt khách (trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế; 250.000 lượt khách nội địa); tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 840 tỷ đồng. Vì vậy, tái cơ cấu lĩnh vực du lịch Kon Tum, nâng cao giá trị sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững du lịch tỉnh Kon Tum là cần thiết.
Hoàng Lê Ân