Tiềm năng du lịch biển rất lớn nhưng Quảng Nam chưa hình thành những sản phẩm du lịch và không gian du lịch biển một cách rõ nét, đa dạng, hấp dẫn; hoạt động du lịch biển vẫn có sự bất hợp lý, mất cân đối về không gian lãnh thổ và sản phẩm giữa phía Bắc và phía Nam; khách du lịch quốc tế và nội địa tập trung chủ yếu quanh khu vực Hội An và cù lao Chàm. Nguyên nhân bởi sự hấp dẫn của tài nguyên du lịch và chưa có sự đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ và sản phẩm du lịch. Hiện nay, gần như tất cả sự đầu tư, các dự án, sự quan tâm phát triển du lịch biển đều tập trung cho khu vực Hội An và cù lao Chàm từ quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, các dịch vụ, sản phẩm du lịch cho đến nguồn nhân lực. Hội An, cù lao Chàm vốn là nơi có tài nguyên độc đáo, đa dạng, được đầu tư lớn là nơi lý tưởng cho du khách tham quan nghĩ dưỡng; trong khi đó các khu vực còn lại tuy có tài nguyên tương đối hấp dẫn lại đang bị bõ ngõ, “vùng trống” du khách, chưa được đầu tư đúng mức về mọi mặt. Điều này đã dẫn tới hậu quả là hiệu quả phát triển du lịch không cao, thiểu sự đa dạng về sản phẩm và bất cân đối hợp lý về không gian du lịch.
Những định hướng
Quảng Nam cần có những định hướng, chiến lược phát triển không gian du lịch biển cụ thể, có điều tra, nghiên cứu, có lộ trình quy hoạch, phân kỳ đầu tư, định hình các loại hình và sản phẩm du lịch cho từng khu vực không gian ven biển.
Định hướng về không gian
Xác định ranh giới và “vùng đệm” phát triển du lịch biển là yếu tố quan trọng hàng đầu, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển không gian các ngành kinh tế và lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội – môi trường. Xác định vùng, khu vực phát triển không gian du lịch biển để tạo ra các cơ sở pháp lý trong các quy hoạch du lịch, xây dựng những không gian ưu tiên phát triển, làm căn cứ để đầu tư các dự án cụ thể.
Định hướng về sản phẩm
Định hướng không gian là cơ sở quan trọng để định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cho từng khu vực.
+ Khu vực Điện Nam – Điện Ngọc - Hội An – cù lao Chàm hình thành mô hình đô thị biển đảo với các sản phẩm du lịch gắn liền với di sản văn hóa Hội An và khu dữ trữ sinh quyển cù lao Chàm như tham quan nghiên cứu (di sản văn hóa), lễ hội văn hóa (hành trình di sản, cầu ngư, đêm rằm phố cổ), nghĩ dưỡng, thể thao (các khu khách sạn, resort, sân gofl), làng quê, làng nghề (Thanh Hà, Kim Bồng, Trà Quế, Đèn lồng), đặc biệt là các loại hình du lịch thể thao (lặn biển, bơi vượt biển, đua thuyền buồm Hội An – Cù Lao Chàm và ngược lại,...). Trong không gian du lịch khu vực này cần chú ý hình thành các công viên biển, hành lang biển với những không gian công cộng đủ lớn để có thể tổ chức các sự kiện lớn, có tầm quốc tế, có không gian để du khách có điều kiện thưởng thức các giá trị của biển.
+ Đối với khu vực từ Duy Xuyên đến Thăng Bình, sau khi cầu Cửa Đại và hệ thống đường ven biển được hoàn thành, không gian đô thị Hội An có xu hướng phát triển về phía Nam, lấy cầu Cửa Đại làm yếu tố trung tâm kết nối hai khu vực này lại. Định hướng sản phẩm du lịch cho khu vực này chính là phát triển một hành lang biển phía ngoài đường ven biển và phát triển hệ thống các khu nghĩ dưỡng cao cấp về hệ thống các khu khách sạn, resort, khu biệt thự cá nhân – gia đình theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam, Hội An và các giá trị văn hóa làng biển, làng quê, làng nghề... phía trong đường ven biển (từ đường ven biển đến sông Trường Giang). Định hướng sản phẩm du lịch biển – nghĩ dưỡng ở khu vực này hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu là những đối tượng đi nghỉ dưỡng lâu ngày.
+ Khu vực từ Tam Kỳ đến Núi Thành định hướng phát triển đô thị biển theo hướng đô thị sinh thái biển, khu đô thị, khu công nghiệp. Khi TP. Tam Kỳ phát triển về phía Đông, khu kinh tế mở và sân bay Chu Lai phát triển về phía Bắc sẽ hình thành một không gian đô thị - khu công nghiệp – các khu du lịch gắn liền với biển. Sản phẩm chủ yếu của khu vực này là du lịch nghĩ dưỡng, giải trí. Đặc biệt định hướng biến bán đảo Tam Hải thành công viên - trung tâm nghỉ dưỡng – giải trí – thể thao gắn liền với biển; phía Đông TP. Tam Kỳ trở thành các đô thị, công viên sinh thái dọc bờ biển. Đối tượng khách mục tiêu chính của khu vực này là các doanh nhân, nhà đầu tư, ông chủ, công nhân, nhân viên các công ty, xí nghiệp, nhà máy, khách du lịch liên quan trực tiếp đến khu kinh tế mở Chu Lai và khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi.
Định hướng về công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên
Cần có định hướng chiến lược cấp bách để bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề, lễ hội, phong tục tập quán của cư dân ven biển thông qua khảo sát điều tra, phân loại, lập danh mục các làng nghề, làng chài, làng quê; các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng biển như lễ hội, phong tục tế lễ để có giải pháp bảo vệ nguyên trạng, tôn tạo, phục hồi cải tạo. Mặt khác, vùng ven biển Quảng Nam chủ yếu là một dải cồn – bãi cát có tính liên tục, thời tiết hết sức khắc nghiệt (nắng nóng, hạn hán, bão,..) do đó khu vực này cần phải được quan tâm phát triển hệ thống rừng phòng hộ - rừng đệm. Điều quan trọng hiện nay là phải lựa chọn được một số loại cây vừa thực hiện chức năng rừng phòng hộ vừa thực hiện chức năng cảnh quan cho phát triển du lịch, vừa là nguồn sinh kế cho người dân ven biển. Một trong những cây trồng có thể đảm bảo được cả ba chức năng và yêu cầu trên chính là cây dừa.
Định hướng về xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng.
Cần tập trung nâng cấp hệ thống trục đường dọc từ Bắc vào Nam như đường Thanh Niên ven biển và hệ thống đường ngang nối từ quốc lộ 1A với các bãi biển, khu vực biển từ Hà Lam xuống Bình Minh, Nam Phước xuống Duy Nghĩa, Kỳ Lý xuống Tam Thăng, Tam Kỳ xuống Tam Thanh, quốc lộ 1A xuống Tam Hòa, thị trấn Núi Thành xuống Tam Hải... hệ thống đường này thực hiện đa mục tiêu như phòng chống thiên tai lụt bão, cứu hộ, đường quốc phòng... và đặc biệt là phát triển thành các tuyến du lịch kết nối các khu điểm và trung tâm du lịch. Việc xây dựng hệ thống các tuyến đường này ngoài việc đảm bảo các công năng thì phải đặc biệt chú ý đến tính thẩm, mỹ quan, kiến trúc cảnh quan, sinh thái mới có thể phát triển du lịch. Bên cạnh đó cần đầu tư khôi phục, nạo vét, cải tạo luồng tuyến trên dòng Trường Giang để hình thành nên tuyến giao thông đường thủy từ Hội An vào đến Kỳ Hà, đồng thời hình thành nên tuyến du lịch sông nước trên sông Trường Giang kết nối các điểm du lịch tự nhiên, sinh thái, di tích lịch sử, làng nghề, làng quê tạo ra sự hấp dẫn, một sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam. Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch vào xây dựng các khu nghĩ dưỡng, khách sạn, điểm giải trí... Cùng với việc phát triển hệ thống giao thông, khu vực này cần phải được đầu tư quy hoạch định hướng về xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống các nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng như hệ thống nhà hàng, khu giải trí, hình thành các trạm cứu hộ trên các bãi biển,..
Các quy hoạch không gian, đinh hướng sản phẩm, phát triển tài nguyên du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng cần có tầm nhìn từ 30 - 50 năm hoặc thậm chí là dài hơn nữa (50 - 80 năm). Nếu có quy hoạch trước – đúng tầm – dài hạn sẽ tạo điều kiện để hình thành những không gian, sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tương lai, Quảng Nam có điều kiện trở thành trung tâm nghỉ dưỡng – giải trí – thể thao biển hàng đầu của Việt Nam và khu vực cũng như thế giới.
ThS. Trần Văn Anh