Trước năm 1944 là thời điểm cực thịnh của dòng tranh dân gian Đông Hồ, có tới 17 dòng họ của làng Đông Hồ làm tranh. Mỗi năm phiên chợ bán tranh của làng chỉ họp năm phiên, mỗi phiên năm ngày vào dịp tháng chạp để bán cho khách thập phương. Theo thời gian, tranh Đông Hồ bị mai một dần. Những năm thập kỷ 60, dòng tranh này bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn. Từ 1970 đến 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước XHCN. Nhưng từ năm 1990 đến nay, đất nước mở cửa, du nhập nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật, trong đó có nhiều thể loại tranh hiện đại tác động mạnh tới thẩm mỹ của người xem; đồng thời, công tác gìn giữ, bảo tồn và tuyên truyền quảng bá dòng tranh dân gian Đông Hồ chưa được chú trọng nên ngày càng không được công chúng quan tâm.

Bịt mắt bắt dê
Năm 2008, UBND huyện Thuận Thành đã phối hợp với gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (một trong hai gia đình còn lưu giữ và tâm huyết với nghề tranh Đông Hồ) đầu tư xây dựng trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ nhưng không thu hút được sự quan tâm của công chúng.
Và câu hỏi đặt ra là: tại sao công chúng lại không quan tâm đến dòng tranh dân gian đã góp phần làm tốn không ít giấy mực của các nhà văn, thi sĩ? Theo tác giả, đó là không hiểu – đối với người miền Bắc và không biết – đối với người miền Nam và người nước ngoài. Tác giả đưa ra nhận xét này, căn cứ vảo những trải nghiệm của bản thân khi làm hướng dẫn viên du lịch. Mỗi lần đi đến Bắc Ninh, những người làm nghề hướng dẫn luôn giới thiệu cho du khách về những tinh hoa của mảnh đất Kinh Bắc, và không thể không kể đến dòng tranh dân gian đặc sắc nói trên. Đối với du khách miền Nam, khi nói đến tranh Đông Hồ, khá nhiều người không biết về dòng tranh này, phải đến khi tác giả đưa một bức tranh được chụp lại ra, họ mới thấy quen quen vì đã được xem trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu muốn trả lời câu hỏi “làm thế nào để tranh Đông Hồ đến được với công chúng?” trước tiên phải trả lời câu hỏi “làm thế nào để công chúng hiểu biết về tranh Đông Hồ?”. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan, ban, ngành cũng như những người làm văn hóa cần áp dụng hai phương pháp: giới thiệu và quảng bá, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, vì chính du khách là những phát thanh viên hiệu quả và đáng tin cậy nhất đối với gia đình, bạn bè, thành phố, đất nước của họ.
Giới thiệu, tức là giới thiệu cho công chúng những kiến thức cơ bản về dòng tranh, về chất liệu, màu sắc, ý nghĩa… của những bức tranh. Để làm được công việc này, các cơ quan, ban, ngành cần có kế hoạch đào tạo những nhà thuyết trình, những người có trách nhiệm giới thiệu, quảng bá về dòng tranh Đông Hồ, trong đó, nên ưu tiên đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, vì họ là những người trực tiếp làm việc, liên hệ với du khách. Để đào tạo được đội ngũ thuyết trình viên như vậy, cần có sự giảng dạy chuyên sâu và sinh động. Được biết, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang chuẩn bị nguồn tư liệu để biên soạn sách, xuất bản song ngữ Anh – Việt nhằm giới thiệu những giá trị đặc sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ tới công chúng trong và ngoài nước. Đây cũng là một tín hiệu tốt trong việc lưu giữ, bảo tồn dòng tranh này.
Giới thiệu cần đi đôi với quảng bá mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Công việc quảng bá có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu – chùa Bút Tháp – làng tranh Đông Hồ. Việc làm này có tác dụng thúc đẩy lượng khách tìm về với Đông Hồ.
Một trong những hoạt động thực tiễn là lồng ghép việc quảng bá tranh Đông Hồ vào các lễ hội trong năm, ở cả miền Bắc và miền Nam. Các nghệ nhân có thể trưng bày các bức tranh Đông Hồ tại khuôn viên các lễ hội, vừa trưng bày vừa giới thiệu cho du khách hiểu giá trị các bức tranh.
Không chỉ ở các lễ hội, hoạt động quảng bá tranh còn có thể diễn ra vào những ngày thường, tại các công viên văn hóa, khu phố đông đúc (phố cổ) và nhiều nơi khác.
Hoạt động quảng bá cần diễn ra trên địa bàn lớn, không chỉ miền Bắc mà cả miền Nam, vươn xa ra bên ngoài.
Để thực hiện được những ý tưởng như trên, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ từ nhiều phía: các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là Nhà nước và Tổng cục Du lịch, các nghệ nhân, những nhà làm văn hóa, các công ty lữ hành, hướng dẫn viên…
Khi thực hiện bài viết này, tác giả mong muốn một ngày nào đó tranh Đông Hồ in sâu vào trong tim mỗi con người Việt Nam và đi vào tâm tư của bạn thế giới khi đến với đất nước chúng ta.
Vũ Văn Tuyên