KHỞI ĐẦU LẠC QUAN
Những năm gần đây, Kiên Giang đã tập trung khai thác lợi thế du lịch của địa phương, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Về đầu tư du lịch, toàn tỉnh có 220 dự án đầu tư du lịch với quy mô 8.910ha, vốn đầu tư 64.214 tỷ đồng. Trong đó, có 64 dự án được cấp phép đầu tư với quy mô 3.582ha, vốn đầu tư 32.939 tỷ đồng.
Bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động du lịch biển, ven biển, đảo và quần đảo tỉnh Kiên Giang vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Tình trạng quy hoạch chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các ngành; việc cấp phép, cho chủ trương dự án đầu tư du lịch còn tràn lan, dàn trải, chưa có sự kiểm soát hiệu quả; công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch còn nhiều bất cập; việc tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, marketing chưa được chú trọng; trình độ đội ngũ quản lý và lực lượng lao động trực tiếp chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao; việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; tài nguyên du lịch biển chưa được quy hoạch, đầu tư khai thác hiệu quả bền vững, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn và cao cấp.
Ngày 5/10/2004, Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định số 01/2007/QĐ-TTg ngày 8/01/2007 về phê duyệt Quy hoạch Tổng thế phát triển Du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2006 – 2010 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ các quốc gia trong khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ đạo của đảo Phú Quốc gắn với yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng.
RẤT CẦN SỰ CHUNG TAY GÓP SỨC
Với những lợi thế về tài nguyên biển, đảo, quần đảo sẵn có, việc xây dựng thương hiệu du lịch biển Kiên Giang là quan trọng và cần thiết. Sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện một số giải pháp sau đây sẽ góp phần củng cố thêm thương hiệu du lịch biển Kiên Giang.
Trước hết, công tác quy hoạch và du lịch phải đồng bộ và có sự phối hợp giữa các ngành, tránh tình trạng quy hoạch nhỏ lẻ, manh mún. Các địa bàn có biển nên giữ lại một số bãi biển đẹp mang nét hoang sơ làm bãi tắm công cộng cho người dân địa phương và du khách, tránh tình trạng bê tông hóa bãi biển, khai thác cát làm sụt lún bờ biển gây nguy hiểm cho người dân và ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, giải trí, tắm biển của du khách.
Tăng cường bảo vệ môi trường biển một cách triệt để bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, hội thảo, mở lớp tập huấn, đưa vào giáo dục học sinh trong nhà trường, có chính sách khen thưởng, động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.
Quản lý khai thác tài nguyên du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng hợp lý, hiệu quả, mang tính bền vững. Chẳng hạn, cần giữ nguyên một số đảo nhỏ trong quần đảo An Thới – Phú Quốc hiện đang có vài hộ dân định cư từ lâu, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ sinh sống, trồng rừng, làm rẫy giữ đảo…, từ đó tổ chức tour du lịch tham quan, nghỉ chân, tìm hiểu cuộc sống của người dân trên đảo… Đây là loại hình du lịch mới lạ hấp dẫn, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài.
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bảo tồn các làng nghề truyền thống ở vùng ven biển nuôi, trồng, đánh bắt thủy hải sản, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các vật liệu thiên nhiên sẵn có như đá, vỏ ốc, vỏ sò và các vật liệu từ biển… nhằm tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư, kêu gọi cơ sở hạ tầng như xây dựng bến cảng du lịch quốc tế cho các tàu du lịch lớn ghé tham quan tại Phú Quốc, bến tàu khách tại Hà Tiên, Kiên Lương để đưa khách đến Phú Quốc… Tuy nhiên, việc đầu tư phải mang tính chuyên nghiệp, chất lượng, có giải pháp giảm thiểu tối đa các tác động ảnh hưởng, xâm hại đến môi trường biển, ven biển và hệ sinh thái dưới lòng biển. Đầu tư các phương tiện giao thông cao cấp, hiện đại đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như tàu du lịch, máy bay… Chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh như TP. Rạnh Giá, đảo Phú Quốc, thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương.
Liên kết với các tỉnh bạn và các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan mở rộng tour, tuyến du lịch bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không; sớm tiến hành công nhận các khu, tuyến, điểm du lịch của tỉnh, xây dựng phao neo đậu tàu du lịch tham quan lặn ngắm san hô, câu cá; triển khai đề án thu phí khu bảo tồn biển, vườn quốc gia để đưa vào khai thác các tour du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Ưu tiên xây dựng một số khu kinh tế mạnh ven biển như khu phi thuế quan ở An Thới – Phú Quốc, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp cho cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư tại các vùng biển, ven biển, đảo và hải đảo và các khu quy hoạch đầu tư du lịch; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và những lợi ích đem lại từ các hoạt động du lịch biển.
Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương. Hàng năm, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của khách du lịch, người dân địa phương tại vùng du lịch biển, ven biển, đảo và quần đảo về chất lượng dịch vụ, đầu tư và lợi ích thu được từ các hoạt động phát triển du lịch biển. Từ đó, đưa ra giải pháp sát thực hơn với tình hình phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cần bảo đảm an ninh, trật tự cho du khách và người dân địa phương an tâm sinh sống, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch biển Kiên Giang…
Trần Văn Linh