Để xúc tiến việc đăng ký làng cổ Đường Lâm vào danh sách các Di sản thế giới của UNESCO, những giá trị vật thể và phi vật thể của làng cổ Đường Lâm đã được đưa ra thảo luận và đánh giá một cách chi tiết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia bảo tồn di sản thế giới như giáo sư Narumi Yoshiharu, giáo sư Fukukawa Yuichi tới từ Nhật Bản cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về phương hướng bảo tồn kiến trúc các di sản, và cách quản lý, khai thác du lịch tại các khu di sản.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để vừa bảo tồn được các di sản vừa phát triển được kinh tế cho người dân thì việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là vô cùng quan trọng, đồng thời làng cổ Đường Lâm cần phải làm nổi bật được các giá trị toàn cầu, giá trị thật và di sản thật của mình.
Sau 6 năm được công nhận là di tích cấp quốc gia, tới nay, hình ảnh của làng cổ Đường Lâm với những nét văn hóa, kiến trúc tiêu biểu cho một quốc gia nông nghiệp điển hình của khu vực Đông Nam Á phần nào vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn. Có thể nói, những giá trị phát triển kinh tế và du lịch tại khu vực làng cổ Đường Lâm sẽ được nâng lên hơn nữa một khi làng cổ Đường Lâm có tên trong danh sách các di sản thế giới của UNESCO.
Hội thảo về những giá trị của di tích làng cổ ở Đường Lâm là một phần chính trong chuỗi các hoạt động nhằm đưa làng cổ Đường Lâm có tên trong danh sách các Di sản thế giới của UNESCO. Tuy nhiên, điều này có thành hiện thực hay không cần có sự quan tâm và phối hợp đồng bộ từ nhiều Ban, Ngành và đặc biệt là người dân địa phương trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống.
Hoa Thu