Với mục tiêu cải thiện đời sống và mang lại lợi ích cho cộng đồng, JICA đã đưa ra 3 cách tiếp cận phát triển du lịch từ kinh nghiệm của Nhật Bản với hy vọng sẽ giúp Việt Nam phát triển du lịch hiệu quả từ nguồn lực của cộng đồng, đó là: bảo tồn và phát huy các tài nguyên du lịch; thổi sức sống vào ngành kinh doanh du lịch cộng đồng; hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong kinh tế, xã hội, văn hóa… Theo ông Ando Katsuhiro - chuyên gia về phát triển du lịch của JICA, cần kết hợp đồng bộ các phương pháp tiếp cận theo tiến trình mục tiêu các giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020, khuyến khích phát triển cộng đồng tự bền vững thông qua du lịch di sản, hướng tới lợi ích và cải thiện đời sống của cộng đồng thông qua du lịch di sản.
Nhiều ý kiến nếu ra: khó khăn trước mắt của Việt Nam là cơ sở hạ tầng còn thiếu, nhận thức của người dân trong việc làm du lịch còn hạn chế… Muốn phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và tài nguyên cộng đồng ở Việt Nam, điều cần thiết trước nhất là phải có một cơ chế chính sách phát triển hợp lý. PGS.TS. Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhấn mạnh, cần lồng ghép các tư tưởng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong quy hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương…
Bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các cộng đồng và chính quyền địa phương cần đổi mới hơn nữa trong cách tiếp cận và hiểu biết về các giá trị văn hóa của mình, đồng thời phát triển kinh tế bằng cách xem xét các ngành nghề truyền thống và thúc đẩy du lịch thông qua việc sử dụng các nguồn lực của cộng đồng.
Tại hội thảo, JICA và Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khởi động “Dự án hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam qua du lịch di sản”. Dự án sẽ được thực hiện tại 3 làng nghề truyền thống của làng Đường Lâm ở TP. Hà Nội, làng Phước Tích ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, làng Đông Hòa Hiệp ở tỉnh Tiền Giang từ năm 2011 đến năm 2014.
LT