Nặng lòng với tre, trúc Việt
Sư thầy Đại đức Thích Thế Tường (1967) - thể danh Đào Phúc - quê quán phường Vỹ Dạ, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), xuất gia tu hành từ năm 14 tuổi tại chùa Pháp Hải (Cồn Hến, Vỹ Dạ). Vào một ngày đầu tháng 9.2005 cơ duyên đã đến với thầy, là một Phật tử quý mến, ngưỡng mộ tâm nguyện của thầy đã cúng dường 1ha đất ở suối Đá trong một thung lũng, thuộc tiểu khu 64 bán đảo Sơn Trà để thầy thỏa ước nguyện, lúc đó giữa chốn núi rừng hoang vu, lau sậy ngút ngàn, thầy dựng một cái am nhỏ làm nơi tu hành, sinh hoạt và dần dần từng bước miệt mài lao động, ngày này qua ngày khác, tháng nọ qua tháng kia, ngày nắng cũng như ngày mưa “kiến tha lâu đầy tổ”, để rồi hình thành “Khu bảo tồn tre, trúc Việt” hay còn gọi “Sơn Trà Tịnh Viên” như ngày nay…
Hơn một năm ròng rã, thầy Tường phát quang bụi rậm, mở đường, đào hồ nước rộng hàng mấy trăm mét vuông để làm cảnh quan sinh thái, trồng sen và lấy nước tưới cho tre, trúc khi mới trồng. Thầy cần mẫn lao động như một nông dân thực thụ, phải khâm phục, trân trọng cái tính bền bỉ, cần cù, dẻo dai chịu đựng khó nhọc của thầy. Hơn thập niên qua, thầy Tường đã biến khu rừng hoang vu thành một Sơn Trà Tịnh Viên có giá trị về sinh thái, văn hóa, du lịch…
Trao đổi với chúng tôi, thầy Tường tâm nguyện: “Tôi xuất gia tu hành từ năm 14 tuổi tại chùa Pháp Hải (TP.Huế) với một dòng tu khác nhưng càng lớn càng ngưỡng mộ dòng thiền Trúc Lâm, một dòng thiền thuần Việt với tư tưởng nhập thể “cư trần lạc đạo”, tu không nhất thiết phải vô chùa, đóng cửa gõ mõ tụng kinh mà tìm niềm vui của đạo ngay trong chốn trần gian…”.
Chốn bồng lai tiên cảnh giữa bán đảo Sơn Trà
Cảnh quan một Sơn Trà Tịnh Viên ngập tràn một màu xanh tre trúc, màu của thiên nhiên tươi mát, màu của sự bình yên và môi trường trong lành, mà không phải nơi nào cũng có được. Đi vào bên trong, khu vườn tre trúc với đủ các loại, các kiểu hiện ra như một mê cung, khiến ai chỉ một lần đến cũng phải xuýt xoa chiêm ngưỡng. Mỗi loài được thầy Tường định danh cùng với nguồn gốc xuất xứ dưới từng gốc tre, trúc như: Tre Tạp Giao, Lồ ô Cát Tiên (Lâm Đồng), Lồ ô (Quảng Nam), Bương (Thanh Hóa)… để cho du khách có thể biết và hiểu rõ hơn về từng loài. Xung quanh khu vườn tre trúc được bố trí nhiều ghế đá, võng để du khách đến đây nghỉ chân sau những giờ chiêm ngưỡng, tham quan… du khách đến đây thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, từ những em nhỏ đến những học sinh, sinh viên và người lớn hay các bậc trí thức. Họ đến đây để thưởng thức, để trải nghiệm cảnh đẹp từ thiên nhiên, từ bàn tay con người sáng tạo nên.
Vun đắp một Sơn Trà Tịnh Viên cho mai sau
Thầy Tường cho biết, tre trúc có rất nhiều loài, tập trung nhiều nhất là ở vùng Tây Bắc, mỗi loài có một hình dáng, đặc điểm khác nhau, từ lá, thân đến rễ cây mà chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể phân biệt được. Mặc dù vậy, nhưng đặc tính của mỗi loài tre trúc khá dễ trồng, không cần chăm sóc tỉ mỉ như những loài cây khác, chỉ cần có hai yếu tố là khí hậu và thổ nhưỡng tốt là được. Nơi đây hội đủ hai yếu tố, lại giao hòa cả hai khí hậu nên rất thích hợp trồng tre trúc cả miền Bắc lẫn miền Nam. Cũng theo thầy Tường, hiện cả nước có từ 250-300 loài tre trúc khác nhau, ở Sơn Trà Tịnh Viên có 108 loài với 80 loài đã được Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam định danh. Chừng nào còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm những loài tre, trúc quý hiếm về bảo tồn tại khu vườn này, để thế hệ mai sau biết đến loài cây luôn trường tồn với thời gian, mang khí phách của người Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã đến tiếp kiến, trao đổi với Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.Đà Nẵng, Trụ trì chùa Quán Thế Âm (Non Nước - Ngũ Hành Sơn) liên quan đến Sơn Trà Tịnh Viên của thầy Tường. Được thầy Vinh hết lời ca ngợi công đức, sự miệt mài lao động, đặc biệt là sự tâm huyết với tre trúc Việt của thầy Tường, để có một Sơn Trà Tịnh Viên như ngày hôm nay. Kết thúc bài viết này, chúng tôi trân trọng dẫn lời của TT Thích Huệ Vinh: “Đại đức Thích Thế Tường đã có những nỗ lực đáng khâm phục trong việc sưu tập, nhân giống và bảo tồn 108 loài tre trúc Việt trong khu Sơn Trà Tịnh Viên.
Trong hơn 10 năm qua, thời gian đầu thầy gặp rất nhiều khó khăn, không nơi lưu trú, thiếu điều kiện sinh hoạt song thầy đã khắc phục vượt qua. Đó là một hạnh nguyên đáng trân trọng của người tu sĩ, với vai trò là một thành viên Ban Văn hóa, thầy đã tích cực trong các hoạt động của Ban, biên tập cho ra mắt tập san Văn hóa, cập nhật tin tức kịp thời và tham gia các hoạt động Phật sự khác rất tích cực. Bên cạnh đó thầy còn thường xuyên đọc sách nghiên cứu, cũng như tìm hiểu về cách chăm sóc, kỹ thuật trồng các loài tre trúc. Quả là một con người tâm huyết với tre trúc Việt, chắc chắn khu vườn tre trúc của thầy Tường sẽ được thầy bảo tồn, nhân giống, chăm sóc làm phong phú cho loài cây mà từ ngàn đời nay đã thân thiện với môi trường, với con người Việt Nam”...
TRỌNG THANH
Nguồn: Laodong.vn