Trong 365 ngày của một năm, có ít nhất hai phần ba thời gian tôi đi trên con đường ấy. Đi như một thói quen sau khi cà phê sáng, sau khi họp hay đôi khi sau buổi chiều đi khắp cùng đâu đó. Tôi quen sự đổi thay của con đường, như thể nó là một phần trong cuộc sống của mình: Đường Trần Phú, Nha Trang.
Trước năm 1975, con đường có tên là Duy Tân. Con đường Duy Tân khi ấy còn nhỏ hẹp, mặc dù vẫn có dải phân cách cho hai luồng xe. Con đường bắt đầu từ xóm Cồn, ngay cửa sông Cái. Xóm Cồn là một xóm chài nghèo với những ngôi nhà bám trên cát biển, con đường nhỏ chạy dài bất tận.
Cả ngày nghe tiếng đài cassette vọng ra những bản cải lương, người bán hàng ngồi ngay bên lề đường. Sau đó, vào năm 2002 cầu Trần Phú được khánh thành và đi vào hoạt động, xóm Cồn di dời vào Hòn Rớ, nơi này giờ thành Công viên Yersin.
Con đường Duy Tân xưa nho nhỏ, khi đó có 13 ki-ốt bán giải khát dọc biển. Người dân đẩy xe hoặc gánh hàng bán đủ thứ hàng hóa như cóc ngâm, chùm ruột ngâm, mựa nướng cán mỏng chấm tương ớt và cả cà rem cây trong mấy cái thùng như phích nước.
Đặc biệt là rất nhiều gánh đậu hũ đựng trong các hũ sành, múc ra chén ăn với đường nước. Sau nhiều năm, nhất là sau năm 1990, ngành du lịch chuyển mình, trải qua gần 20 năm thay đổi, con đường Trần Phú bây giờ khác xưa.
Cái khác là có khoảng 100 khách sạn từ 5 sao đến ít sao, tạo cho nơi này rộn rịp. Khởi đầu chỉ là khách sạn Nha Trang Logde cao 12 tầng, sau đó thêm khách sạn Yassaka - Sài Gòn - Nha Trang… Giờ thì các khách sạn đã trở thành điểm hẹn cho nhiều khách như Skylight trên tầng 40 của khách sạn Havana với ngọn hải đăng giả, hay không gian cà phê lãng mạng trên tầng 24 khách sạn Sheraton.
Đường Trần Phú bây giờ đã trở thành nơi diễn ra các sự kiện, mà trọng tâm chính là Quảng trường 2/4. Nơi này là sân khấu lộ thiên tổ chức các sự kiện kỷ niệm lớn, nơi lễ khai mạc, bế mạc Festival Biển diễn ra. Đây cũng là nơi các đơn vị tổ chức các chương trình PR của mình.
Đường Trần Phú bây giờ có một số cây cổ thụ đã được chặt bỏ để con đường rộng hơn, những cây xanh đa dạng và đẹp. Đó là hàng tra hay còn gọi là cây nho biển chịu nắng cong mình mặc kệ gió biển làm nghiêng ngả. Cũng trên con đường này, trong khuôn viên Viện Pasteur có những gốc cây tra cổ thụ, là những cây tra do chính bác sĩ Yersin gây trồng đầu tiên ở Nha Trang.
Đường Trần Phú có thảm thông xanh được tỉa tót tạo dáng. Đặc biệt, hoa giấy đã tạo nên điểm đến cho khách nhàn du như cụm hoa giấy đối diện sân bóng Thanh Niên. Nơi đây cũng đã trở thành điểm chụp ảnh cưới của bao lứa đôi. Tiếc rằng sau cơn bão 12 vào đầu tháng 11, những cụm hoa giấy nơi này đã ngã đổ. Để khắc phúc tình trạng, thành phố đang chuẩn bị kế hoạch trồng lại loài hoa này.
Đường Trần Phú còn là nơi hoài niệm của những mối tình. Cái thuở khách du lịch chưa chộn rộn như bây giờ, các cặp đôi chở nhau chậm rãi đi hết con đường, không vội vàng trở về. Những cô cậu học sinh đạp xe thong dong trên con đường, to nhỏ nói chuyện mà không biết mệt. Hay đôi khi xuống thềm cát biển, họ bỏ mặc chiếc xe trên bờ, trong bóng trăng đang chạm vào sóng, nghe hơi thở thanh xuân, mặc kệ trần gian có bao điều cay đắng.
Tôi yêu con đường Duy Tân xưa, tôi yêu cả con đường Trần Phú kiêu sa hôm nay. Ở đó vào mùa lễ hội treo đèn kết hoa. Ở đó có những hàng bong bóng rộn ràng đêm giao thừa, chen xem pháo hoa hay cũng chỉ là dạo quanh, ngắm nhìn cuộc sống đang trôi. Con đường dài 12km ấy đã và mãi mãi là con đường ven biển đẹp nhất đất nước này. Là nỗi nhớ của người đã sống và là nỗi nhớ của cả những người chỉ một lần ghé qua.
Cả hàng triệu du khách tìm đến Nha Trang cũng vậy, họ yêu và thích lang thang trên con đường Trần Phú. Con đường có công viên với cỏ xanh và cây xanh. Có phố đi bộ ngay Quảng trường 46 Trần Phú, có những hàng bán đồ lưu niệm, có quán cà phê để ngồi nhìn ra phố. Con đường có cả những hàng trái cây lung linh đèn thắp trong đêm. Và có cả những bước chân người đi qua, tiếng nói cười ríu rít cùng tiếng sóng biển. Đường Trần Phú xứng đáng được gọi là con đường vàng Nha Trang.
Nguồn: Laodong.vn