Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa trong phát biểu đề dẫn Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, văn hóa đã có bước tiến triển rõ rệt, nhiều chủ trương chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước về vấn đề văn hóa đã được đề cập một cách toàn diện. Các Nghị quyết chuyên đề của TW, từ Nghị quyết TW5 khóa 8 về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng đã nhấn mạnh quan điểm cốt lõi, văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế, cho đến Nghị quyết 33 của TW 11 cũng đề cập đến phát triển chiến lược văn hóa của đất nước.
Trong chiến lược phát triển ngành CNVH, Chính phủ cũng đã lựa chọn 12 nhóm ngành để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, 12 nhóm ngành này không phải chỉ Bộ VHTTDL thực hiện mà còn hiện hữu ở tất cả các cấp độ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều bộ ngành khác nhau. Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL chỉ quản lý 5 nhóm lĩnh vực nhưng cũng chưa thực sự đầy đủ bởi phải phân cấp cho nhiều bộ ngành khác.
12 lĩnh vực bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa…
Khái quát vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là lĩnh vực khó và mới, trong điều kiện bộ máy chưa hoàn thiện, trong khi xu thế của thế giới coi CNVH là một điểm sáng, tiến nhiều bước xa, thì chúng ta mới manh nha để tìm được những bước đi và định hướng. Trong điều kiện như vậy nhưng sau thời gian thực hiện chiến lược này, sự chuyển đổi nhận thức trong vấn đề đặt vấn đề về chiến lược văn hóa được Đảng và Nhà nước chỉ rõ hơn, đó là Nhà nước đã thừa nhận CNVH là một bộ phận cấu thành nền kinh tế, đây là luận điểm hết sức đúng. Trước đây khi nói về công nghiệp là chúng ta nghĩ đến công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng là công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ chứ ít ai nghĩ đến CNVH, đây là một bước tiến mới.
Thứ 2, Đảng và Nhà nước bắt đầu định hình để có cách hiểu thống nhất về phạm vi của các ngành CNVH, CNVH được luận giải như thế nào, nhóm ngành nào thuộc CNVH và nó có nằm trong ngành công nghiệp bổ trợ hay không?
Thứ 3 là đưa ra mục tiêu để tập trung phát triển ngành CNVH và có bộ chỉ số đo lường về sự đóng góp của ngành CNVH đối với từng nội dung của đất nước. Và luận điểm hết sức quan trọng đó là khẳng định về vai trò của nhà nước trong tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.
“Ở đây ta phải thực hiện được vai trò khơi thông nguồn lực, nhà nước giữ vai trò đầu tư quản lý, chi phối hỗ trợ tạo nguồn vốn có tính chất kích thích sự phát triển.
Còn nếu loay hoay theo cách làm cũ chỉ dựa vào ngân sách để mong cầu có được ngành CNVH có một sản phẩm văn hóa có tầm có tâm đủ sức để đưa ra với thế giới thì điều đó không thể làm ngay được”, Bộ trưởng nói.
Báo cáo một số kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chiến lược, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng cho biết, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, Điện ảnhnăm 2019 tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 178 triệu USD); Du lịch: năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ Đại dịch Covid-19), năm 2022, doanh thu ước đạt 495.000 tỷ đồng...; thương mại: Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu...; ngoại giao văn hóa: qua các chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài,các hoạt động triển lãm tranh, ảnh giới thiệu không gian Việt Nam; biểu diễn văn hóa nghệ thuật, chiếu phim Việt Nam; xây dựng tượng đài, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim… đã tôn vinh hình ảnh con người Việt Nam tiêu biểu, các giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá các ngành công nghiệp văn hóa như mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, hội họa, điêu khắc. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã có 48 danh hiệu các loại được UNESCO ghi danh. Các danh hiệu đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, khẳng định kho tàng di sản văn hóa chung của nhân loại. Đồng thời, thu hút đầu tư và phát triển ngành du lịch văn hóa, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước…
Tại nhiều địa phương trên cả nước, ngành CNVH đóng góp lớn cho ngân sách, như Hà Nội, năm 2018 đóng góp từ CNVH là 1,49 tỉ USD vào tổng sản phẩm của thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7% GDP; Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GDP năm 2010chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%; Thành phố Đà Nẵng ngân sách đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là 247,9 tỷ đồng, trong đó: năm 2019 là 20,9 tỉ đồng, 2020 là 49,3 tỷ đồng, 2021 là 38,4 tỉ đồng..
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thì việc thúc đẩy CNVH cũng còn nhiều điểm nghẽn, đó là sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ khiến việc định hướng phát triển, quản lý CNVH gặp nhiều lúng túng…
Chia sẻ ý kiến này, PGS. TS Bùi Hoài Sơn Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc quản lý sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói chung, CNVH nói riêng, có liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều khi chồng chéo. Việc tiếp cận nguồn tài chính khó khăn cùng với nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng phát triển của ngành CNVH ở các nhà đầu tư cũng khiến cho phát triển CNVH hạn chế. Bên cạnh đó, lộ diện nhiều nguy cơ về sự thất bại của thị trường bởi vi phạm bản quyền, các vấn đề về phân phối sản phẩm nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước…
Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương về những đề xuất, kiến nghị bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới, các cơ chế hợp tác công tư trong phát triển CNVH, chính sách khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này…
Đánh giá cao các tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hội nghị đã làm rõ những vướng mắc, hạn chế, cũng như nguyên nhân và các giải pháp đề xuất, trên cơ sở này các nội dung sẽ được Bộ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là cơ sở xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo nhiệm vụ Bộ được giao…
Viễn Nguyệt