Xây dựng tiêu chí an toàn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021 đã diễn ra hàng loạt chương trình kích cầu du lịch mỗi khi dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm cho ngành Du lịch thay đổi, yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong hoạt động du lịch. Thông qua chương trình khôi phục du lịch nội địa, Ban Tổ chức mong muốn triển khai truyền thông về du lịch an toàn, khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới tới từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng cho du khách trong giai đoạn tình hình dịch vẫn đang tiếp diễn.
Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, Chương trình xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức các hoạt động kinh doanh phù hợp; đồng thời, xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp trong bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, dễ thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; truyền thông về du lịch an toàn, về chương trình khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới với nội dung sống chung với COVID-19.
Chương trình cũng xây dựng những tiêu chí an toàn riêng đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên và khách du lịch dưới 18 tuổi. Du khách trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 là có thể đi du lịch nội địa, tùy theo mức độ dịch bệnh của điểm đi, điểm đến mà cần thêm kết quả âm tính xét nghiệm từ PCR hoặc test nhanh trong khoảng từ 48-72 giờ. Du khách dưới 18 tuổi cần có kết quả âm tính với xét nghiệm PCR để du lịch tới các tỉnh, thành phố khác.
Đồng thời, chương trình cũng đặt ra những yêu cầu đối với điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú như: điểm đến du lịch thuộc “vùng xanh” và đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, phục vụ số lượng khách tại cùng một thời điểm không được quá từ 30 - 50% công suất điểm đến. Đối với cơ sở lưu trú, bố trí phòng cho khách theo tiêu chí: bố trí 2 người/phòng trở lên theo gia đình hay nhóm khách có cùng yếu tố dịch tễ. Trường hợp khách lẻ và không cùng yếu tố dịch tễ phải bố trí phòng ở riêng, không chung với những người khách khác. Phải bố trí ít nhất một phòng riêng để cách ly khách trong trường hợp cần thiết.
Cần sự thống nhất và tăng cường kết nối
Các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là các địa phương vùng du lịch trọng điểm của đất nước ghi nhận Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” với nội dung “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” được xây dựng khung tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh sống chung với COVID-19, dần chuyển thành du lịch an toàn trong dịch bệnh. Chương trình đề ra Bộ tiêu chí dự thảo, gồm đầy đủ yêu cầu với khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, quy định với tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, người lao động, điểm du lịch… để đảm bảo an toàn với COVID-19 khi đi du lịch là hết sức kịp thời cần thiết. Tuy nhiên, do Chương trình được xây dựng và tổ chức triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa chấm dứt nên khái niệm về du lịch an toàn cần có sự thống nhất, sẽ khó khăn trong việc triển khai, cần sự vào cuộc của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch,Tổng cục Du lịch, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Để cụ thể hóa nội dung chương trình phát động, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo vào 3 nhóm giải pháp: xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng sản phẩm mới phục vụ thu hút du khách nội địa; tổ chức các hoạt động, sự kiện, chuyển đổi số ngành Du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách và cơ sở du lịch. Việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô. 100% đơn vị cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Đồng thời, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cập nhật về các chính sách, quy định phòng chống dịch đối với các cơ sở dịch vụ, lưu trú, điểm đến trên địa bàn Thành phố. Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan, đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Qua đó, xây dựng các điểm đến du lịch xanh, cơ sở lưu trú xanh, dịch vụ xanh đảm bảo sức khỏe, an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch.
Chia sẻ về vấn đề này, Ông Cao Trí Dũng - Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện để đón khách trở lại. Để phục vụ nhu cầu của khách tại chỗ, khách công vụ từ vùng lân cận đến Đà Nẵng, đảm bảo các yếu tố an toàn, Đà Nẵng sẽ cụ thể hóa Bộ tiêu chí an toàn, bổ sung nội dung, xây dựng bộ sản phẩm du lịch an toàn cho thứ tự các dịch vụ, lữ hành, hàng không và ban hành Bộ tiêu chí đến từng cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến.
Triển khai cơ sở “vùng xanh” về chương trình kích cầu du lịch trên cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ: Thừa Thiên Huế là địa phương sớm nhất trong cả nước tiêm vaccine cho người lao động trong ngành Du lịch, đến thời điểm hiện tại khoảng 85% người lao động du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Về nhân lực, Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Các điểm đến ở Thừa Thiên Huế cơ bản đã đầy đủ các biện pháp an toàn để phòng, chống dịch COVID-19 và cũng có kinh nghiệm tốt trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Thừa Thiên Huế có đủ các điều kiện về y tế đảm bảo xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp những ca nhiễm F0, các ổ dịch với hệ thống y tế chuyên sâu, đồng bộ và hiện đại. Về thị trường và sản phẩm du lịch, hoạt động tham quan, vui chơi thuần túy sẽ khó tiếp cận hơn do người dân có ý định đi du lịch chưa an tâm về các tiêu chí an toàn đối với bản thân và gia đình trong suốt chuyến đi. Vì vậy, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021, Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng tập trung khai thác thị trường khách công vụ, khách kinh doanh, khách du lịch thăm thân và khách incentive (tour khen thưởng) để có thể vừa làm, vừa thí điểm các quy trình phục vụ đảm bảo các tiêu chí an toàn một cách nhanh chóng và thống nhất.
Theo ông Lê Minh Tân - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, Quảng Ninh sẽ tích cực hưởng ứng nội dung “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”. Tỉnh đã có kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch nội tỉnh và xây dựng chương trình kết nối xanh liên tỉnh, trong đó, Quảng Ninh tăng cường việc kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng…; đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm mới, hấp dẫn, thu hút du khách. Việc sớm phục hồi du lịch Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện để việc liên kết giữa các trọng điểm du lịch khác, góp phần phục hồi du lịch khi tình hình dịch ở các địa phương được kiểm soát.
Tuấn Sơn