Tới dự sự kiện có lãnh đạo chính quyền Châu Hồng Hà, Cục Du lịch Châu Hồng Hà, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, lãnh đạo các sở quản lý du lịch của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh cùng 300 doanh nghiệp lữ hành của hai nước.
Hội nghị nhằm trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, giới thiệu quảng bá du lịch, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch của hai địa phương tìm hiểu nhu cầu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, khai thác du lịch giữa các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Triệu Thụy Quân, Chính quyền Châu Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc) nhấn mạnh, việc khai trương tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” là một hoạt động cụ thể của giao lưu và hợp tác du lịch và văn hóa song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam; tăng cường hợp tác du lịch xuyên biên giới trên phạm vi rộng lớn hơn. Ông Triệu Thụy Quân cho biết thêm, Du lịch Châu Hồng Hà đã có sự thay đổi sau dịch COVID-19, với việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới. Khách du lịch Việt Nam đến Châu Hồng Hà có thể được khám phá những di sản hấp dẫn như thửa ruộng bậc thang có tuổi đời nghìn năm, ẩm thực đặc sắc cùng những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hà Nhì sinh sống tại đây.
Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, chương trình du lịch vàng, kiểu mẫu “Hai quốc gia, Sáu điểm đến” là sáng kiến do Ngành Du lịch tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) chính thức khai trương, vận hành ngày 14/01/2020. Đây được coi là một trong những sản phẩm du lịch mang dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị, gắn kết hợp tác giữa tỉnh Lào Cai, các tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế của Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm của du khách mỗi bên. Đến thời điểm hiện tại, ngành Du lịch Lào Cai đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, với tâm thế sẵn sàng nhất, luôn nồng nhiệt chào đón các du khách đến từ Trung Quốc với những dịch vụ du lịch đảm bảo chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị chính quyền tỉnh Vân Nam, Châu Hồng Hà (Trung Quốc) và các địa phương của Việt Nam tham gia chương trình đón khách trên, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, hỗ trợ giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh thuận lợi nhất để sẵn sàng đón khách du lịch; cùng phối hợp nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực thi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ký kết nhằm sớm khai thác tuyến xe chở khách du lịch đến hai quốc gia và các địa phương; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm triển khai hình thức du lịch bằng xe tự lái với các điều kiện kèm theo của các tuyến “Hai quốc gia - Sáu điểm đến”.
Thành phố Hà Nội luôn là thành viên tích cực của Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và trong năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ đăng cai Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ 10.
Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội luôn xác định, Trung Quốc là một trong ba thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu của Hà Nội. Để thu hút ngày càng nhiều du khách Trung Quốc, Hà Nội sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch,... làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có khách du lịch Trung Quốc theo tuyến du lịch: Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội.
“Hà Nội tăng cường kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của Thủ đô, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách du lịch Trung Quốc; tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và thương hiệu du lịch Thủ đô để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch; chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình quảng bá du lịch đối ứng với Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)…” bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ thêm.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của Du lịch Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đứng đầu trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam, đạt 5,8 triệu lượt trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Sau hơn 02 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch, kết quả năm 2022 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, đạt tương đương mức 20% của năm 2019. Năm 2023, du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đón được trên 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có dòng khách du lịch đặc biệt khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế và từ ngày 15/3/2023, Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch cho công dân Trung Quốc sang Việt Nam theo đoàn đợt 2.
|
Lan Phương