Báo cáo đánh giá về công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020 của Bộ VHTTDL, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh: Trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã quan tâm, nhận thức rõ về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực quản lý. Chất lượng nghiên cứu khoa học được chú trọng và từng bước nâng cao, kết quả nghiên cứu góp phần vào giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách về quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, nhiều nội dung được bổ sung vào giáo trình giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng. Bước đầu huy động được các nguồn vốn ngoài ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ trong việc thực hiện nhiệm vụ tiêu chuẩn Việt Nam. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, hợp tác đào tạo nhân lực, tổ chức hội thảo quốc tế ngày càng được mở rộng. Bên cạnh kết quả đạt được, Vụ trưởng Nguyễn Thế Hùng chỉ ra những tồn tại, bất cập về công tác nghiên cứu khoa học, nổi lên là việc ứng dụng kết quả nghiên cứu ngày càng được chú trọng, tuy nhiên số lượng đề tài đưa vào ứng dụng chưa nhiều, hiệu quả ứng dụng chưa cao. Chưa tạo nên các yếu tố hình thành thị trường khoa học công nghệ, các nghiên cứu chưa tạo thành các sản phẩm, hàng hóa có khả năng thương mại hóa, chưa huy động nhiều được nguồn kinh phí từ doanh nghiệp…
Vụ trưởng Nguyễn Thế Hùng cũng đề cập đến định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2026, nhiệm vụ với các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch. Theo ông Hùng, đối với lĩnh vực du lịch sẽ tập trung nghiên cứu triển khai các đề tài khoa học, xây dựng tiêu chuẩn về cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm xây dựng ngành Du lịch phát triển theo chiều sâu, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành khác cùng phát triển; xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường, nâng cao tính chuyên nghiệp; giải pháp nhằm khai thác giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hệ thống các bảo tàng và giữ gìn vệ sinh môi trường để phát triển du lịch bền vững. Xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền gắn với viêc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ. Đổi mới nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về du lịch và ứng xử văn hóa trong hoạt động du lich.
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các Viện nghiên cứu, đơn vị nghệ thuật, đào tạo thuộc Bộ VHTTDL đã đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ các hoạt động VHTTDL, trong đó có việc đề xuất Hà Nội là thành phố sáng tạo, nghiên cứu khoa học nhằm khai thác sức mạnh mềm của văn hóa. Các ý kiến cũng đề cập những tồn tại, bấp cập trong công tác nghiên cứu khoa học như thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thực trạng công nghiệp văn hóa còn manh mún, chưa chú trọng về công tác lưu trữ tư liệu, hình ảnh, du lịch và các đơn vị nghệ thuật chưa chủ động, tăng tính kết nối khai thác thế mạnh của các đơn vị nghệ thuật trong phục vụ du lịch, chưa tạo động lực để phát triển. Đề cập đến đóng góp của nghiên cứu khoa học trong phát triển du lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học đã có nhiều đóng góp trong hoạt động VHTTDL, du lịch phát triển có nhiều vấn đề mới n���y sinh xu hướng mới, nhu cầu mới, nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng, đáp ứng trong phát triển du lịch. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, với vai trò là đơn vị đầu ngành nghiên cứu về phát triển du lịch, Viện đã triển khai nhiều đề tài khoa học ứng dụng vào thực tiễn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có quy hoạch vùng, triển khai chương trình hành động quốc gia phát triển du lịch, chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026. Viện đang cố gắng gắn kết với các địa phương để triển khai các đề tài nghiên cứu phát triển du lịch, góp phần khai thác thế mạnh du lịch địa phương. Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Viện vẫn chủ động, tích cực chủ động nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, triển khai thực hiện các đề tài khoa học như: du lịch chăm sóc sức khỏe, kinh tế đêm, phát triển du lịch tăng trưởng xanh... TS. Tuấn cũng chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học, thiếu nhân lực, thiếu phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác nghiên cứu. TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng như đại diện các Viện nghiên cứu kiến nghị Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0, hỗ trợ đào tạo về chuyển đổi số, xin cơ chế trong việc tận dụng, sử dụng lao động triển khai, thực hiện nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ những nhà khoa học, các Viện, cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL đóng góp trong việc nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực VHTTDL. Bộ trưởng cho biết: Năm 2015, lãnh đạo Bộ VHTTDL phát động thi đua trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ, là một hướng đi đúng, thể hiện quan điểm đặt việc nghiên cứu khoa học - công nghệ là việc thực hiện quốc sách như các Nghị quyết của Đảng, là điều kiện có tính chất tiên quyết cần thiết để tiến hành các hoạt động khác dựa trên các luận cứ khoa học, cũng là động lực cho sự phát triển của toàn ngành. Bộ trưởng nêu rõ, phong trào đã tạo nhận thức trong lãnh đạo các cấp, các nhà nghiên cứu, khoa học, những người làm VHTTDL. Sau 5 năm đã tạo ra nhận thức sâu, rõ hơn về công tác nghiên cứu khoa học, đã có tác động đến nhận thức chung. Qua thực tế, đội ngũ những nhà khoa học đã khẳng định được vị thế của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của các lĩnh vực VHTTDL.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập về các kết quả nghiên cứu còn nhiều trăn trở, cần khắc phục, nghiên cứu cần được ứng dụng vào thực tiễn. Việc tập trung cho nghiên cứu ứng dụng để cân đối với nghiên cứu cơ bản chưa được chú trọng; chưa thực sự dành nhiều cho nguồn lực, tạo sản phẩm chất lượng cao. Việc tiếp cận các quốc gia phát triển về nghiên cứu khoa học, ứng dụng còn nhiều hạn chế. Việc phát triển khoa học-công nghệ đã được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước, các nhà khoa học đầu tư, nghiên cứu thấy những điểm mới trong khoa học công nghệ, cần nhận thức thêm điểm mới trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Để thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2025, cần tập trung nghiên cứu khoa học ứng dụng. Đối với du lịch cần nghiên cứu, tham vấn, quy hoạch Du lịch Việt Nam, đóng góp cho công tác quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu phát triển sản phẩm vùng miền, lợi thế để thúc đẩy du lịch phát triển. Bộ trưởng mong rằng công tác nghiên cứu khoa học cần luôn đổi mới, tạo động lực cho sự phát triển, đóng góp trong việc chấn hưng văn hóa, đưa thể thao vươn lên đạt thành tích cao, du lịch vượt khó qua đại dịch, có sự phát triển mới trên con đường hội nhập.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng Bằng khen cho 15 tập thể và 33 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020. Vụ Khách sạn và Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch là hai trong số những tập thể vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng.
Tuấn Sơn