Tạo đà để phát triển du lịch trong “bình thường mới”
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình, đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính chất lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang trạng thái mới, cần phải thích ứng, làm quen với khái niệm “bình thường mới” thì mới có thể phục hồi và phát triển. Đối với ngành Du lịch, trạng thái bình thường mới được xác định với nhiều yếu tố mới, trong đó an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường trở thành các quy định bắt buộc với du lịch. Bên cạnh đó là một số quy định mới khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vaccine...); phương tiện thông tin cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng… từng bước trở thành yêu cầu bắt buộc phải có khi đi du lịch.
Đồng thời, các hoạt động chủ yếu trong du lịch như xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh doanh du lịch cũng đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm an toàn và ứng dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi toàn ngành Du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi các hoạt động quản lý và kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển du lịch một cách bền vững, nhanh chóng thích ứng với tình trạng bình thường mới.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Đại dịch COVID-19 đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch, lượng khách quốc tế và nội địa giảm sút đáng kể. Việc Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn đàn đúng vào thời điểm ngành Du lịch có tín hiệu khởi sắc, đang trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam hết sức có ý nghĩa, kịp thời, góp phần chuẩn bị phương hướng cho việc phục hồi các hoạt động của ngành Du lịch.
Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh, thời gian tới, để nắm bắt các cơ hội phục hồi ngành Du lịch nhằm đạt được kết quả như kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp chung để cùng chung tay giải quyết, vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Đối với thị trường nội địa, trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch; đồng thời, có những biện pháp xử lý sự cố y tế phát sinh. Tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa. Đối với thị trường quốc tế, triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế; từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến bảo đảm các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch bảo đảm các tiêu chí về an toàn.
Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường chuyển đổi số trong ngành Du lịch, đặc biệt ở các lĩnh vực như: kinh doanh dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến điểm đến. Các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm cũ để đáp ứng các nhu cầu thay đổi của du khách trong bối cảnh sống chung an toàn với COVID-19. Phát huy vai trò của các liên minh, liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không, khách sạn... nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn; mô hình du lịch an toàn tại các địa điểm tương đối biệt lập, sử dụng dịch vụ khép kín. Bên cạnh đó là thúc đẩy các liên kết du lịch vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương; tập trung các địa bàn trọng điểm và các địa phương có năng lực phát triển sản phẩm mới, cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn và hấp dẫn.
Nhìn lại 2 năm Du lịch Việt Nam sau “cơn bão” COVID-19, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, dịch COVID-19 đã khiến ngành Du lịch trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có. Để phục hồi du lịch, cần có cơ chế, chính sách phù hợp và chiến lược thích ứng linh hoạt.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long Đào Mạnh Lượng thông tin, đơn vị sở hữu hơn 500 tàu du lịch, 6.000 lao động, nhưng sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch, đơn vị gần như “tê liệt”. Ông đề xuất cần có thêm chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể đứng vững trước đại dịch. Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị, với việc đón khách quốc tế, ngoài thí điểm đón ở một số thị trường, Tổng cục Du lịch cần hướng tới việc liên kết với các nước trong khu vực để hình thành hành lang “du lịch bong bóng” trong khu vực ASEAN, từ đó tạo nguồn khách quốc tế phong phú và an toàn.
Xây dựng sản phẩm mới, góp phần phục hồi bền vững du lịch Việt Nam
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự cũng thống nhất việc phát triển du lịch phải chú trọng yếu tố an toàn, cần phải xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với diễn biến dịch, trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch COVID-19”.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty xác định “An toàn mới du lịch, du lịch phải an toàn và an toàn đến đâu mở, phục hồi du lịch đến đó” trên cơ sở đảm bảo yêu cầu đầu tiên về các tiêu chí an toàn phòng chống dịch hết sức linh hoạt, tính toán mọi điều kiện, cơ hội, sản phẩm dịch vụ để kinh doanh, trước mắt tập trung khai thác thị trường khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, sau đó mở dần đối với các vùng xanh liên kết với các địa phương.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, việc xây dựng sản phẩm cần tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt, đưa thêm những điều kiện thay đổi cho khách hàng. Sản phẩm được cá biệt hóa tới từng đối tượng khách hàng để tạo cảm giác yên tâm cho du khách...
Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, đơn vị cần tập trung xây dựng các sản phẩm bảo đảm an toàn trong dịch bệnh nhưng vẫn đủ độ hấp dẫn. Lúc này, sản phẩm du lịch cần hướng đến yếu tố bền vững, trong đó có một số loại hình sẽ lên ngôi như: du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch miền núi… Ngoài ra, du khách sẽ có xu hướng trải nghiệm du lịch “không chạm”, hạn chế tiếp xúc.
Trao đổi tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhấn mạnh, mô hình liên kết, cạnh tranh giữa các đơn vị để chia sẻ nguồn tài nguyên du lịch. Ở khu vực miền Trung hiện nay đã xây dựng sản phẩm chung giữa Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam, hình thành nên con đường di sản, sản phẩm du lịch biển… tăng sức hấp dẫn cho du khách.
Tại Diễn đàn, bên cạnh việc đề xuất thêm cơ chế phù hợp, các hướng đi xây dựng sản phẩm du lịch mới, phát triển du lịch xanh, bền vững, làm mới sản phẩm cũ, các đại biểu cũng bàn, đề xuất nhiều giải pháp nhằm góp phần phục hồi ngành Du lịch như: đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch; đổi mới quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú; phát triển thêm sản phẩm du lịch tiềm năng đó là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch golf, ứng dụng, kết nối công nghệ, thể thao và du lịch, phát triển ẩm thực thành sản phẩm độc đáo của Du lịch Việt Nam.
Tuấn Sơn