Đoàn khảo sát đã tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; thăm Làng cổ Đường Lâm - nơi sở hữu vẻ đẹp riêng biệt, cổ kính, bình yên; trải nghiệm tại Glory Resort Sơn Tây - khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao và trải nghiệm.
Tham gia khảo sát, chị Nguyễn Thị Hà My - Điều hành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Du lịch Top Việt Nam cho biết, việc HPA tổ chức các chương trình khảo sát là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các điểm đến ở Sơn Tây có cung đường đi lại thuận tiện nhưng để các chương trình tour hấp dẫn, ấn tượng hơn cần nghiên cứu, xây dựng, chọn điểm nhấn trong hành trình tham quan, tăng các hoạt động trải nghiệm, tương tác dành cho khách tại các điểm đến.
Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Ngô Thị Hồng Thắm chia sẻ, Làng bắt đầu mở cửa trở lại đón khách từ ngày 10/11/2021. Trong thời gian qua, nhiều công ty lữ hành đã đến Làng để khảo sát, xây dựng các tour an toàn. 5 tuyến, điểm trong Chương trình mà HPA đi khảo sát nằm trong 15 tuyến điểm hiện Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang triển khai phục vụ khách. Do vậy, cần tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa HPA, các doanh nghiệp lữ hành với Làng trong việc đưa đón, phục vụ khách đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Chia sẻ về sản phẩm du lịch tại Làng cổ Đường Lâm, Trưởng ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho hay, du khách đến với Đường Lâm được tìm hiểu, khám phá về du lịch văn hóa tâm linh và du lịch nông thôn; tham quan nhà cổ; tìm hiểu di sản và các làng nghề truyền thống. Hiện Đường Lâm đang xây dựng đề án du lịch thông minh, hướng tới chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sự kiện, du lịch nhiếp ảnh. Trong thời gian tới, làng cổ Đường Lâm sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dịch vụ; phối hợp cùng các Công ty lữ hành và HPA tổ chức khảo sát, xây dựng, phát triển những sản phẩm mới, sản phẩm dành cho gia đình, nhóm nhỏ, đảm bảo tiêu chí an toàn, sản phẩm xanh để phục vụ du khách.
Theo Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang, tiềm năng và thế mạnh về du lịch của Sơn Tây là rất lớn, các điểm du lịch trong chương trình khảo sát là những điểm đến tiêu biểu, có nét đặc trưng riêng. Qua khảo sát cho thấy, các điểm đến ở Sơn Tây, nhất là điểm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam rất hấp dẫn và thu hút các đối tượng khách đến tham quan, khám phá. Đến nay, các điểm đến đã có sự khởi động trở lại. Để tăng cường kết nối, hợp tác Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần cung cấp chương trình hoạt động trong năm 2022 cho HPA cũng như các công ty lữ hành để làm căn cứ xây dựng tour an toàn, phù hợp. Bên cạnh đó, để thu hút du khách, Làng cần có sự kết hợp với các doanh nghiệp, xây dựng các tour xanh, an toàn, các gói sản phẩm trải nghiệm thực tế ở các làng, các dân tộc, tăng cường các dịch vụ dành cho khách.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Bùi Duy Quang khẳng định: “Để góp phần xây dựng sản phẩm du lịch mới cho Du lịch Thủ đô trong thời gian tới, Sơn Tây là một trong những tour khảo sát mà HPA thực hiện. Với nhiệm vụ là xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, xúc tiến du lịch nông nghiệp, HPA sẵn sàng hỗ trợ các điểm đến ở Sơn Tây, trong đó có Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, để kết nối cùng doanh nghiệp, nghiên cứu đưa loại hình sản xuất nông nghiệp, tư vấn loại cây trồng, cảnh quan gắn với từng dân tộc tại Làng nhằm tạo thêm sự trải nghiệm mới cho khách. Đồng thời, HPA sẵn sàng hỗ trợ về công tác truyền thông, quảng bá tại các Hội chợ du lịch, triển lãm, nhằm thu hút khách trong nước và quốc tế đến với những điểm đến xanh, an toàn, hấp dẫn của Hà Nội nói chung và Sơn Tây nói riêng”.
Tuấn Hải