Trọng tâm của Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 55 xem xét báo cáo của 04 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN; Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN; Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN; Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN. Đồng thời, Hội nghị sẽ thông qua/hoàn thiện một số văn bản: Tiêu chuẩn Cơ sở MICE ASEAN - Địa điểm tổ chức sự kiện; Các đề xuất dự án ASEAN cho năm 2022; Logo du lịch mới của ASEAN; Thông cáo báo chí chung Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25,...
Theo đó, trong báo cáo của Ủy ban cạnh tranh du lịch ASEAN, Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng với ba chiến lược chính, bao gồm: (1) Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn; (2) Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp; (3) Thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến quảng bá. Chiến lược Marketing giai đoạn mới được điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau COVID-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN.
Góp ý về Chiến lược Marketing du lịch ASEAN, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề xuất sáng kiến tổ chức Famtrip sau đại dịch COVID-19, khi tất cả các Quốc gia Thành viên ASEAN đã mở cửa biên giới và nối lại hoạt động du lịch quốc tế. Famtrip sẽ mời các cơ quan truyền thông, những người có ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch an toàn tại các điểm đến Đông Nam Á. Đây là sáng kiến để các nước có thể quảng bá hình ảnh điểm đến của mình sau đại dịch.
Về phát triển du lịch toàn diện và bền vững ASEAN, hiện Việt Nam đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch”. Chiến lược được các Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 22 tại ATF 2019 (Hạ Long).
Để triển khai Chiến lược, Việt Nam đã gửi 124 cuốn chiến lược cho các nước thành viên và Ban Thư ký tại phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN tháng 10/2019 tại Philippines, đồng thời đề nghị các nước đề xuất sáng kiến và xây dựng kế hoạch hành động để Việt Nam tổng hợp. Theo đó, kế hoạch triển khai chiến lược tại Việt Nam gồm: Tổ chức Hội thảo: “Sáng kiến tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong phát triển du lịch cộng đồng”. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự kiến Hội thảo sẽ được tổ chức trong Quý IV năm 2022; Tăng cường năng lực cộng đồng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn và nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia hoạt động du lịch cho cộng đồng tại Việt Nam; Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề sản xuất hàng lưu niệm du lịch ASEAN.
Về hợp tác với các trung tâm ASEAN, tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu gửi lời cảm ơn chân thành tới các Trung tâm ASEAN-Trung Quốc, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc về sự hợp tác hiệu quả và những hỗ trợ tận tình cho du lịch ASEAN, đặc biệt trong thời điểm khó khăn khi du lịch quốc tế chưa mở cửa hoàn toàn. Ba trung tâm đã hoạt động tích cực với nhiều hoạt động xúc tiến nhằm mang hình ảnh du lịch ASEAN hấp dẫn đến với khách du lịch.
“Với triển vọng phát triển của du lịch trong khu vực, trong thời gian tới, tôi mong rằng các Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để có thêm các sự kiện quảng bá tại chỗ, cùng với việc đào tạo liên tục về du lịch hội thảo và các hoạt động quảng bá trực tuyến”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu chia sẻ.
Trong hợp tác với các tổ chức quốc tế, những năm qua, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã có những hỗ trợ kỹ thuật thiết thực đối với du lịch Việt Nam. Trong năm 2020, UNWTO hỗ trợ 06 suất học bổng Khóa học trực tuyến về Quản trị du lịch cho Việt Nam; Tổng thư ký UNWTO gửi video phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch tổ chức tháng 11/2020 tại Quảng Nam; Tổng cục Du lịch tham dự Khóa đào tạo trực tuyến của UNWTO cho các nước Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tháng 11/2020 và Khóa ��ào tạo chuyên sâu của UNWTO về Chính sách và Chiến lược Du lịch với chủ đề “Du lịch và Phát triển Nông thôn” tháng 12/2020 và một số hội thảo chuyên đề khác. Trong năm 2021, Du lịch Việt Nam tiếp tục tham gia các Hội thảo chuyên ngành trực tuyến của UNWTO; phối hợp với UNWTO văn phòng Nara (Nhật Bản) xây dựng đề xuất dự án Quản trị điểm đến bền vững xin tài trợ của Nippon Foundation.
Ngoài ra, về hợp tác với các tổ chức liên kết với ASEAN, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao việc hợp tác chặt chẽ của các tổ chức trong việc khôi phục ngành Du lịch ASEAN, đồng thời hy vọng Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy sự liên kết giữa khu vực công và tư nhân ở cả ASEAN và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số.
Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019, khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN đạt khoảng 143,5 triệu lượt, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 171,1 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2017. Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á, trong đó thị trường khách outbound Việt Nam đứng trong nhóm 15 thị trường hàng đầu với khoảng 4,1 triệu lượt khách đi du lịch ASEAN.
Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số liệu khách đến ASEAN giảm mạnh. Năm 2020, ASEAN chỉ đón gần 28 triệu lượt khách, giảm 80,7% so với năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 43,1 tỷ USD, giảm 74,8% so với năm 2019.
|
TT