Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận) giàu tài nguyên du lịch, đặc biệt là các tài nguyên biển, đảo và di sản văn hóa thế giới, đây là cơ sở phát triển các sản phẩm đặc trưng, nổi bật cho ngành Du lịch Việt Nam và trở thành một trong những vùng động lực về du lịch biển của cả nước.
|
Những thành quả nổi bật
Thời gian qua, tổng thu từ du lịch của vùng luôn chiếm hơn 30% nguồn thu từ du lịch của cả nước, đứng thứ ba trong bảy vùng du lịch trên cả nước. Vùng có thành phố Đà Nẵng với các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng và cảng biển quốc tế là một trong ba trung tâm du lịch lớn của quốc gia. Khánh Hòa với sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng biển đầu nguồn quốc gia là những địa bàn phân phối khách không chỉ cho vùng mà còn đối với các vùng khác trên cả nước.
Khách nội địa đến vùng đứng thứ 4, sau vùng đồng bằng sông Cửu Long (do vùng này có Lễ hội Bà Chúa Xứ, là lễ hội thu hút số lượng lớn khách nội địa). Điều này cho thấy vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng rất thu hút khách nội địa.
Sở hữu các bãi biển đẹp cát trắng, có hai Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn, những di tích văn hóa gắn liền với văn hóa Chăm Pa, văn hóa Sa Huỳnh, các dân tộc Đông Trường Sơn… nên duyên hải Nam Trung Bộ thu hút lượng khách du lịch quốc tế khá lớn, chiếm hơn 25% tổng lượng khách đến toàn vùng, luôn giữ vị trí thứ 3 trong tổng lượng khách quốc tế đi lại giữa các địa phương trên toàn quốc.
Trong vài năm gần đây, các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ đến vùng có xu hướng giảm nhưng thị trường khách đến từ Đông Nam Á tăng (chiếm hơn 10%), và một lượng khách Trung Quốc bắt đầu đi sâu hơn vào các tỉnh miền Trung Việt Nam tắm biển, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, vùng thu hút được lượng lớn khách du lịch Nga. Du khách Nga ưa chuộng tắm biển, tắm nắng, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, đến các khu nghỉ dưỡng biển nhất là những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp. Những sở thích này họ hoàn toàn có thể được thỏa mãn tại các khu nghỉ biển cao cấp của vùng như: các khu nghỉ biển của Nha Trang (Khánh Hòa); Mũi Né (Bình Thuận)...
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hệ thống các cơ sở lưu trú cũng được các địa phương quan tâm đầu tư phát triển với tốc độ nhanh. Nhiều khách sạn hiện đại đã tạo nên diện mạo về đô thị cho các tỉnh trong vùng.
Duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh về ẩm thực, có hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống ở trong vùng tương đối tốt, đặc biệt ở các thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận. Bên cạnh các khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, các khu du lịch là hệ thống các quán ăn tập trung ở hầu hết các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn phục vụ các món ăn đa dạng, hấp dẫn.
Với thế mạnh là biển, vì thế các khu vui chơi giải trí tại khu resort ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ thu hút khối lượng lớn du khách. Các khu vui chơi giải trí thể thao có sức thu hút khách du lịch ở vùng là các sân golf. Ngoài ra, tại các đô thị lớn như Đà Nẵng, Nha Trang các cơ sở thể thao tạo nên diện mạo cho thành phố và góp phần tăng cường cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch.
Số lượng lao động du lịch vùng tăng nhanh nhưng cũng như các vùng khác trên cả nước, nhìn chung chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du lịch.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ thu hút khách đến tham quan quanh năm kể cả du khách trong nước và quốc tế. Du khách đến vào tháng 2, tháng 5 và tháng 12 chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt mùa hè (tháng 7 và tháng 8) là mùa cao điểm về du lịch biển, đảo của vùng. Khách đến đây theo nhiều loại hình du lịch đa dạng như tham quan thắng cảnh thiên nhiên; nghỉ dưỡng biển, tham quan di tích văn hóa - lịch sử; du lịch thương mại và tham dự hội thảo, hội nghị...; tập trung tại các khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận với các loại hình như du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng biển, đảo.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sản phẩm du lịch được đánh giá có tính liên kết nổi bật nhất trong vùng những năm qua là chương trình kết nối các địa phương có di sản thế giới dọc duyên hải miền Trung kết hợp giữa Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2002. Sản phẩm liên kết này đã được phát triển trong chương trình hợp tác du lịch cao hơn là chương trình “Ba quốc gia - Một điểm đến” với việc khai thác di sản thế giới cố đô Luang Prabang và Angkor Wat đã tạo thêm sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn cho sản phẩm du lịch của vùng. Bên cạnh đó, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên, với cả nước trong đa dạng hóa sản phẩm như gắn “Con đường di sản miền Trung” với hành trình xuyên Việt và kết nối với “Con đường xanh Tây Nguyên”; chương trình du lịch caravan qua cửa khẩu các tỉnh Tây Nguyên đến với thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan; tour đường biển với các nước Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và các nước trên thế giới…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển du lịch vùng vẫn còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể và sự liên kết phát triển du lịch toàn vùng, thiếu ổn định, bền vững.
Cần những định hướng mang tính đột phá
Để thực hiện các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển du lịch đối với vùng, cần phải có những định hướng mang tính đột phá gắn với việc liên kết phát triển du lịch các địa phương trong vùng, khai thác hợp lý tài nguyên, xây dựng thương hiệu du lịch vùng. Theo đó, việc lập "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030" là cần thiết với mục tiêu chung là: “Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của Du lịch Việt Nam. Đầu tư xây dựng các đô thị du lịch hiện đại, các khu, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam”.
Duyên hải Nam Trung Bộ phấn đấu đến năm 2020 thu hút khoảng 14 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 4,3 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 68.000 tỷ đồng, có khoảng 97.000 buồng khách sạn (tỷ lệ buồng 3 - 5 sao chiếm khoảng 15%), tạo việc làm cho khoảng 410.000 lao động (trong đó gần 140.000 lao động trực tiếp); đến năm 2030 thu hút khoảng 23,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt khoảng 7,5 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 154.000 tỷ đồng, có khoảng 137.000 buồng khách sạn (tỷ lệ buồng 3 - 5 sao khoảng 30%), tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động (trong đó khoảng 230.000 lao động trực tiếp). |
Để thực hiện được những mục tiêu đặt ra, cần thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả 11 nhóm giải pháp sau:
Chính sách, cơ chế phát triển du lịch
Trên cơ sở Luật Du lịch và các Luật liên quan, UBND các địa phương cần nghiên cứu, hoàn thiện và áp dụng hệ thống các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, thị trường, xã hội hóa du lịch, kết hợp liên vùng, liên ngành, phát triển gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.
Đầu tư và huy động vốn đầu tư phát triển du lịch
Thường xuyên tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư du lịch toàn vùng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư từ các tập đoàn kinh doanh xuyên quốc gia. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch cũng như sự giúp đỡ và phối hợp với các Bộ, Ngành ở Trung ương để thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của các ngành khác có liên quan với phát triển du lịch để giảm bớt những khó khăn về vốn của địa phương. Huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế bảo đảm nhu cầu đầu tư phát triển du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch
Xây dựng được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh, theo chiều sâu và bền vững. Lao động phải được trang bị đúng và đủ kiến thức, kỹ năng, quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp; tinh thần thái độ phục vụ chu đáo tận tụy; có năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể.
Hợp tác, liên kết phát triển du lịch
Cần tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với các quốc gia gắn liền với định hướng thị trường khách du lịch của vùng, các hành lang du lịch Đông - Tây. Mở rộng hợp tác liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng khác trong đó đặc biệt chú trọng các trung tâm du lịch lớn để khai thác nguồn khách du lịch từ các trung tâm du lịch lớn và phát huy giá trị sản phẩm du lịch đặc trưng vùng. Với vị trí cửa ngõ của vùng Tây Nguyên ra biển Đông, cần tăng cường hợp tác liên kết phát triển sản phẩm biển, rừng giữa vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên để thông qua đó phát triển du lịch hướng tới thị trường Lào và các nước ASEAN khác.
Quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch
Thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch vùng và phát huy thế mạnh của từng địa phương. Kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo phát triển du lịch của từng địa phương trên địa bàn vùng để tăng cường hiệu lực giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh trong quy hoạch. Nâng cao năng lực quản lý các địa phương trong vùng thông qua việc trực tiếp quản lý tài nguyên và phát triển du lịch theo quy hoạch ngành, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành.
Xúc tiến, quảng bá du lịch
Thành lập Ban xúc tiến quảng bá cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ để tổ chức, quản lý hoạt động xúc tiến quảng bá chung của vùng. Tổ chức tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn về marketing, xúc tiến quảng bá cho cán bộ của các Trung tâm xúc tiến du lịch tại các tỉnh. Bên cạnh những nội dung xúc tiến, quảng bá truyền thống về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng… cần mở rộng và tăng cường quảng bá các sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, công nghiệp chế biến hải sản nhằm phát huy thế mạnh kinh tế của vùng…
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển du lịch
Phát triển thị trường khách du lịch
Cần tăng cường nguồn lực cho phát triển thị trường; phát triển thị trường gắn với sản phẩm và công tác xúc tiến quảng bá để giải quyết tốt mối quan hệ cung - cầu; phối hợp liên ngành trong phát triển thị trường.
Phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch
Nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch biển đảo như nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm, khám phá đáy biển và các đảo ven bờ, du lịch tàu biển... kết hợp với phát triển các loại hình du lịch bổ trợ như du lịch sinh thái núi (nghỉ mát, thể thao leo núi..), du lịch văn hóa (tham quan lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa…), du lịch MICE… Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống các cơ sở lưu trú, kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển các công trình vui chơi giải trí, tạo ra những loại hình vui chơi giải trí độc đáo, cao cấp và hiện đại như cáp treo, sân golf… cũng như các loại hình vui chơi giải trí mạo hiểm gắn với tài nguyên biển và núi.
Xây dựng thương hiệu: “Nghỉ dưỡng biển” thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu
Giải pháp này cần được nghiên cứu thực hiện đồng bộ từ khâu quy hoạch, cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học và công nghệ và đặc biệt cần có sự phối hợp liên ngành, các địa phương trên địa bàn vùng. Đến năm 2020, về cơ bản, các địa phương trong vùng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới du lịch xanh, thân thiện với môi trường...
Bảo đảm quốc phòng, an ninh
Duyên hải Nam Trung Bộ là mặt tiền hướng ra biển của Du lịch Việt Nam, có vị trị chiến lược về quốc phòng và an ninh quốc gia. Vùng có hệ thống các huyện đảo xa bờ là những khu vực tiền tiêu của Tổ quốc. Chủ quyền biển, đảo và quyền tài phán luôn là vấn đề thiêng liêng, cần được bảo vệ một cách toàn vẹn. Vì vậy cần thiết phải có giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh để hoạt động du lịch góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội.
KTS. TS Dương Đình Hiền
Tạp chí Du lịch