Đây không chỉ là vinh dự mà còn là kết quả nỗ lực của môn võ Việt Nam trong quá trình vận động, quảng bá và phát triển bộ môn vươn tầm ra thế giới nhiều năm qua.
Hiện tại, phong trào Vovinam Đông Nam Á đang phát triển tốt ở 7 nước gồm Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Vovinam lần đầu tiên hiện diện tại đấu trường SEA Games 26 vào năm 2011 ở Indonesia và tạo được ấn tượng tốt về các bài quyền đẹp mắt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, Vovinam lại không có tên trong danh sách các môn thi đấu ở 3 kỳ SEA Games tiếp theo (28, 29, 30).
Do vậy, sự trở lại của Vovinam tại đấu trường SEA Games 31 chính là cơ hội biến giấc mơ quốc tế hóa của môn võ mang thương hiệu truyền thống Việt Nam đến gần hơn với hiện thực. Vovinam cũng tranh thủ lần đăng cai SEA Games trên sân nhà với 7 nước tham gia để gây tiếng vang và sau đó duy trì như một môn thể thao truyền thống xuất hiện ở những kỳ Đại hội tiếp theo. Bên cạnh đó, mục tiêu của Vovinam là cùng với các môn thể thao khác góp phần vào một kỳ SEA Games thành công, mang nhiều ý nghĩa.
Để chuẩn bị cho sự trở lại lần này, ngay từ tháng 3/2021, đội tuyển đối kháng đã được triệu tập tập huấn với 3 huấn luyện viên và 12 vận động viên (VĐV); đội tuyển quyền được triệu tập từ tháng 1/2022 với 3 huấn luyện viên và 21 VĐV. Trong lần chuẩn bị cho SEA Games 31 tại Việt Nam, đội tuyển đã tập trung những VĐV tốt nhất trong các nội dung. Tuy vậy, ban huấn luyện đội tuyển vẫn rất thận trọng rèn luyện kỹ chiến thuật cho từng tuyển thủ.
Trước thềm SEA Games 31, các VĐV Việt Nam cũng đã được trải qua bước sát hạch quan trọng khi tham gia tranh tài tại giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc lần thứ 13 năm 2022 có sự tham gia của 600 VĐV, huấn luyện viên, trọng tài đến từ 33 tỉnh, thành, ngành trên cả nước.
Môn Vovinam của SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 22/5 tại nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội) với sự tham gia của 7 quốc gia là Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Lào, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam.
P.V