Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam - Đinh Hài ý tưởng lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản lần thứ 3 với chủ đề "Hội ngộ Di sản văn hoá Đông Dương" có sự phối hợp và liên kết tổ chức giữa Quảng Nam với một số Di sản văn hoá của ba nước Đông Dương như Mỹ Sơn, Hội An, cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, công chiêng Tây Nguyên (Việt Nam), Luangphrabang, Wat Phou, Champasak (Lào), Xiêm Riệp, Angkor (Campuchia), đã thổi luồng gió mới mẻ, ấn tượng hơn cho lễ hội lần thứ 3 này.

|
Tái hiện đêm phố cổ |
Sau lễ khai mạc trên Quảng trường lễ hội (Hội An) đêm 27/6, với nhiều tiết mục hoành tráng và ấn tượng được trình diễn bởi các đoàn ca múa nhạc trong nước và quốc tế, hàng loạt sự kiện văn hoá - du lịch hấp dẫn và mới lạ sẽ đồng loạt diễn ra, kéo dài trên cung đường 45km từ Hội An qua Điện Bàn, đến Mỹ Sơn (Duy Xuyên), ra tận đảo Cù Lao Chàm.
Lễ hội sẽ giới thiệu các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc: biểu diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Kinh, Cơtu, Chăm. Du khách có thể như được sống lại thời quá vãng trong miền di sản qua sự tái hiện không gian văn hóa, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, tín ngưỡng của các dân tộc Đông Dương, sự hòa điệu văn hóa giữa nụ cười Bayon - Angkor với sự uyển chuyển của vũ nữ Apsara Mỹ Sơn - Trà Kiệu; giữa các làn điệu dân ca Việt Nam, dân ca Khomer, vũ hội Lăm của các bộ tộc Lào, cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế… trong những Đêm hội “Wat Phou - Mỹ Sơn - Angkor”, “Phố cổ Hội An - cố đô Luangphrabang”, “Đông Dương - Giao hòa văn hóa”… Du khách có thể sống trong bầu không khí rạo rực, chan hoà ánh nắng, đầy ắp tiếng cười trên bãi biển Hội An, Cù Lao Chàm thông qua các hoạt động thể thao bóng chuyền bãi biển, đua thuyền truyền thống... hay những trò chơi trên biển như thả diều nghệ thuật, lễ hội Vespa…
Không chỉ bày cuộc vui cho du khách thông qua các hoạt động sân khấu, thể thao, "Hội ngộ Di sản Đông Dương" sẽ còn mang đến nhiều điều mới lạ với liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian và trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam; nhiều hoạt động triển lãm về Di sản với các tên gọi "Đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Đông Dương"; "Văn hoá Sa Huỳnh - Champa trên đất Quảng Nam", "ảnh nghệ thuật di sản văn hoá thế giới Đông Dương", “Nghệ thuật dân gian Việt Nam”; trình diễn nghề dệt chiếu truyền thống, ươm tơ dệt lụa...sẽ được mở suốt tuần tại Tam Kỳ, Hội An , Duy Xuyên và một hội thảo quốc tế với chủ đề "Con đường di sản văn hoá thế giới Đông Dương", chắc chắn sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà bảo tồn di, quản lý du lịch và các công ty lữ hành trên thế giới. Và, đất Điện Bàn - nối hai di sản, không đứng ngoài cuộc vui bằng một chương trình văn hoá, du lịch chủ đề "Ngày hội văn hoá làng nghề Thanh Chiêm", bắt đầu đánh thức giá trị văn hoá làng nghề truyền thống, giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực độc đáo (đúc đồng Phước Kiều, bánh tráng, mỳ Quảng, điêu khắc gỗ nghệ thuật)...Và, du khách có dịp sống một đêm cù lao rực rỡ pháo hoa trong đêm bế mạc bằng một chương trình nghệ thuật "Cù lao Chàm - không gian truyền thuyết" tái hiện các truyền thuyết, lịch sử, văn hóa của hòn đảo "Ngoạ Long" chắn giữa biển Đông nhằm tôn vinh tiềm năng văn hóa - du lịch của Cù Lao Chàm - Một Danh thắng quốc gia.
Tại buổi Công bố chương trình lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản lần thứ 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Trần Minh Cả khẳng định: đây là cuộc hội ngộ lần đầu tiên giữa các di sản văn hoá Đông Dương, một lễ hội chất lượng, nghệ thuật đặc sắc, không trùng lắp với bất kỳ lễ hội nào đã được tổ chức tại Quảng Nam.
NGUYỄN VŨ