Trung tâm Khám phá khoa học được thành lập ngày 24/12/2015, là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở khoa học và Công nghệ Bình Định. Đồng thời là nơi đầu tiên tại Việt Nam chú trọng đến việc đưa khoa học đến với quần chúng và phát triển tình yêu khoa học cho nhân dân, đặc biệt là giới trẻ. Tổ hợp vệ tinh đầu tiên sau nhân tố hạt nhân quan trọng là dự án Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) khánh thành tháng 8/2013 để từng bước quy hoạch và xây dựng Khu đô thị Khoa học – giáo dục Quy Hòa tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhằm phát triển Quy Nhơn thành điểm đến khoa học và giáo dục đặc trưng của Việt Nam.
Trung tâm Khám phá khoa học vừa giáo dục khoa học vừa phát triển du lịch khoa học hướng đến đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên và khách tham quan du lịch trong nước cũng như quốc tế khi đến Bình Định.
Tổ hợp gồm một tòa nhà chính với diện tích 5000m2 và Trạm Quan sát thiên văn nằm kế bên tạo thành một Tổ hợp không gian khoa học được thiết kế theo khối nhà hình tròn độc đáo và hài hòa giữa thiên nhiên hoang sơ ở thung lũng Quу Hòa, Bình Định với phần chóp mái là hai hình elip xếp chồng, lệch tâm nhau biểu tượng cho quỹ đạo của các hành tinh. Mái vòm được ghép từ những tấm kim loại hình tam giác còn có ý nghĩa từ những mảnh ghép nhỏ, đơn giản tạo thành những mảnh ghép lớn, có ý nghĩa phổ quát, tượng trưng cho chức năng chính của Trung tâm là phổ biến khoa học đến với công chúng.
Không những góp phần tăng tính hiện đại của thành phố Quy Nhơn mà tổ hợp còn tạo thành điểm hẹn lý tưởng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, du lịch và dịch vụ, đưa khoa học đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Tổ hợp cũng được Chính phủ định hướng trở thành khu đô thị khoa học và giáo dục, đồng thời là điểm đến cũng như cầu nối của khoa học và giáo dục Việt Nam với các nước.
Nhờ mạng lưới của các nhà khoa học Pháp và quốc tế, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã đề xuất hình thức và nội dung của Tổ hợp gồm phòng chiếu hình vũ trụ, phòng hệ Mặt trời và 6 phòng trưng bày xung quanh như: Khám phá vật chất; Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên; Khám phá không gian; Triển lãm đa năng – sao Hỏa; “Chơi mà học”; Các quy luật của tự nhiên. Ngoài ra, Tổ hợp không gian khoa học bao gồm các hạng mục nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng khoa học, đài quan sát thiên văn và các khu khám phá vật lý học, toán học, khoa học sự sống, hóa học...
Hiện tại, Trung tâm đã xây dựng chương trình và đang tiến hành tổ chức thử nghiệm các tour trải nghiệm khoa học cho mọi lứa tuổi. Đây là hoạt động có hướng dẫn tại khuôn viên Trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu của các trường khi cần kết hợp các hoạt động ngoại khóa vào chương trình dạy học. Tại các tour trải nghiệm học sinh sẽ được tham quan 03 phòng trưng bày, sau đó mỗi em (hoặc nhóm) sẽ được phát phiếu trả lời các câu hỏi có nội dung liên quan đến phòng trưng bày. Cuối buổi, hướng dẫn tour sẽ thu phiếu và thống kê mức độ hiểu biết của các em (hoặc nhóm) trong suốt buổi tham quan và có phần thưởng dành cho những bạn học sinh xuất sắc nhất.
Một trong những phòng trưng bày mà học sinh rất hứng thú khi đến với Trung tâm có tên gọi “Chơi mà học” thích hợp cho các em học sinh từ cấp 2 trở lên vì các em đã có nền tảng cơ bản về khoa học, có thể tự chơi các trò chơi hay thực hiện thí nghiệm khoa học thông qua việc đọc hướng dẫn trên các poster. Trong phòng này, học sinh sẽ được tự do khám phá theo sở thích của riêng mình thông qua hơn 20 mô hình khoa học. Hầu hết chúng được thực hiện tại xưởng chế tạo của Trung tâm, với sự giúp đỡ của các giáo sư đầu ngành có kinh nghiệm. Ứng với mỗi mô hình, trò chơi là các khái niệm khoa học đơn giản của vật lý, toán học hay sinh học,… cũng như các ứng dụng thực tế của chúng. Qua đó không chỉ các em học sinh mà những ai đến đây đều có thể biết được, khoa học không ở đâu xa xôi mà luôn đồng hành trong cuộc sống của chúng ta.
Ngoài các hoạt động tại khuôn viên thì Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị bên ngoài như Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quy Nhơn, Đại học Tây Nguyên, Tỉnh đoàn Bình Định... để tổ chức nhiều chương trình mang tính cộng đồng khi đem các mô hình, trò chơi đến các trường trên địa bàn tỉnh nhằm truyền tải kiến thức, phổ biến khoa học đến học sinh, sinh viên.
Thu Thảo