Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ xuất hiện ở Thiết Úng từ lâu đời, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân làng nghề Thiết Úng đã được triệu vào cung để tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm và nhiều người trong số đó đã được triều đình ban sắc phong. Từ đó, làng Thiết Úng nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống, các nghệ nhân nơi đây vẫn miệt mài với những sản phẩm tinh xảo và độc đáo, để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống mà cha ông đã để lại. Để tạo vị thế cho làng nghề cũng như tìm hướng phát triển làng nghề trong thời đại mới, ngày 26/2/2010, làng Thiết Úng đã được UBND thành phố Hà Nội trao Bằng công nhận “Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống”.
Làng nghề nằm ngay mặt đường chính nên rất dễ dàng di chuyển, khi du khách mới đặt chân đến đây sẽ đem lại cảm giác vô cùng thân thuộc của làng quê Việt. Với những cửa hàng bán đồ gỗ mỹ nghệ trưng bày sản phẩm đa dạng do chính chủ nhân làm ra với đầy đủ các hình dáng, kích thích, tạo hình đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Đó không chỉ là những sản phẩm bình thường, mà là tâm huyết, thời gian, tình cảm của các nghệ nhân thổi hồn vào đó.
Người dân làng nghề vẫn còn giữ được cụm di tích đình Thiết Úng, chùa làng Viên Thông và những kiến trúc cổ trong làng, đó là nét độc đáo riêng của làng nghề. Ngôi chùa sau những thăng trầm của lịch sử đã bị xuống cấp nhiều, nên cách đây vài năm nhờ đóng góp của người dân trong làng và các mạnh thường quân, đã được trùng tu lại khang trang và đẹp hơn.
Những bức tượng cổ có niên đại hơn trăm năm vẫn được thờ cúng tại chùa như ba pho tượng Phật Thích Ca, pho Cửu Long, Đức Thánh Hiền.
Dấu ấn đáng nhớ của người dân làng Thiết Úng là pho tượng giả cổ “Thiên thu thiên nhãn”, phục dựng sao y của pho tượng bảo vật quốc gia - Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, do toàn bộ các nghệ nhân có tay nghề trong làng đồng sức đồng lòng thực hiện. Pho tượng được làm trong vòng ba năm và mới được khánh thành vào cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, kiến trúc cổ trong làng gồm có cổng cổ có từ thời Minh Mạng vẫn được người dân giữ gìn và sử dụng đến ngày nay, cổng được xây bằng gạch, cánh cửa làm từ gỗ lim.
Giếng nước cổ cũng là một trong kiến trúc người dân làng nghề giữ gìn, nó có chiều sâu khoảng 20m, đường kính khoảng 5m thường được người dân sử dụng để lấy nước sinh hoạt.
Cũng như mọi làng quê khác, làng nghề Thiết Úng có những buổi họp chợ phiên được tổ chức vào mùng 2, 4, 7, 9 hàng tháng theo lịch âm. Chợ thường họp rất sớm và diễn ra rất nhộn nhịp, họ bán gỗ và các dụng cụ, máy móc sử dụng để làm tượng.
Người dân ở đây rất thân thiện, bạn có thể tìm hiểu hoặc tham quan một số xưởng sản xuất cũng như trải nghiệm các công đoạn chạm khắc như thao tác cầm và sử dụng đồ nghề, tìm tòi cách tạo dáng và thổi hồn vào gỗ.
Đến với làng nghề Thiết Úng là tìm về với nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp khó lẫn vào đâu được của làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên với du khách, hãy một lần thử đến nơi đây để tìm về với những giá trị truyền thống.
Phương Thảo