Chùa Phật Quang tọa lạc trên đường Trần Quang Khải (phường Hưng Long) tạo lập năm 1734 và được xem là ngôi chùa cổ nhất Phan Thiết. Chùa nằm trên khuôn viên rộng khoảng 0,5 héc ta với một tổng thể kiến trúc khá quy mô gồm: chính điện, gian thờ Tổ, đông lang, tây lý, nhà trụ trì, nhà tăng ni, cổng tam quan cùng vườn Đạo tràng Phật tích. Chính điện xây theo dạng cổ lầu với 2 tầng mái vút cao, các góc mái được uốn cong lên dạng hình mũi thuyền, bên trên trang trí một con rồng; đỉnh nóc trang trí lưỡng long tranh châu, hai bên đầu hồi gắn chim phượng xõa cánh mềm mại; mặt trước đắp nổi nhiều họa tiết đan xen như rồng, phượng, dơi, hoa lá…
Bên cạnh kiến trúc cổ, chùa còn bảo lưu nhiều di sản có giá trị, đặc biệt là di sản Hán Nôm cổ. Ngoài hàng chục câu đối, hoành phi, văn chương… chùa đang lưu giữ bộ Kinh Pháp Hoa khắc bằng chữ Hán cổ gồm 60 vạn lời khắc trên 118 tấm mộc bản, mỗi bảng gỗ được khắc chữ trên cả 2 mặt sắc nét. Chùa có 7 bức tranh cổ khắc trên bảng gỗ tả lại cảnh Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ tát đang thuyết pháp. Ngoài ra, còn có chiếc đại hồng chung đồng kích thước khá lớn đúc vào năm 1750 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Chùa Vạn Thiện được xây dựng từ năm 1958 và có tên ban đầu là Tòng Lâm hiện nằm trên đường Hùng Vương (phường Phú Thủy) với mục đích làm nơi quy tụ Chư Tăng Bình Thuận sinh hoạt an cư kiết hạ, Bồ tát và hội họp. Lúc đầu ngôi chánh điện chỉ là một ngôi nhà ngói (nay làm Phương Trượng), còn nhà đông, nhà tây và trai đường được làm bằng tre lá thô sơ. Đến năm 1965, tăng ni phát nguyện xây dựng ngôi chánh điện để thờ và thờ Tổ. Chánh điện được xây dựng theo hình thức chữ Công (I), gian trước là tiền đường có cổ lầu và lầu chuông trống; gian giữa thờ phật và gian sau là nhà Tổ. Chánh điện nằm dưới chân một đồi cát, cây cối um tùm, chim muông ríu rít, tiền đường có hai câu đối.
Năm 1967, xây dựng Thiền đường, nơi lưu giữ Tam Tạng kinh điển và những di tích văn hóa phật giáo Bình Thuận. Năm 1970, Phật học viên Nguyên Hương được thành lập để đào tạo Tăng tài. Năm 1972, Ban giám hiệu xây dựng cơ sở Phật học viện Nguyên Hương. Năm 1992, trường cơ bản Phật học Bình Thuận thành lập tại Chùa Vạn Thiện. Bên cạnh là nơi đào tạo giáo dục phật học, chùa Vạn Thiện hôm nay còn có cảnh trí rất thanh tịnh và uy nghiêm với Quan Âm các, Di Lặc các, Thiền Đường, Phương trượng, trên đỉnh Sa động là Tăng xá, cốc tịnh tu và cảnh Đồng Từ bái Quang Âm, mỗi nới một vẻ tạo thành cảnh quan rất đẹp.
Chùa Bửu Sơn còn gọi là Chùa Tháp, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 và được vua Gia Long ban “Ngự Tứ Bửu Sơn Tự”. Chùa nằm trên triền đồi Ngọc Lâm (lầu ông Hoàng) thuộc phường Phú Hài, mặt hướng về cửa biển Phú Hài quanh năm lộng gió. Đứng trước chùa từ cao nhìn xuống ta có thể thấy được toàn cảnh thành phố Phan Thiết. Phía sau chùa là tháp Pô Sah Inư màu gạch đỏ tươi tạo thành một quần thể tháp rất đẹp.
Năm 1950, chùa bị phá hủy hoàn toàn vì chiến tranh. Đến năm 1954, hai phật tử Phạm Khắc Minh và Nguyễn Thanh Vân xây dựng lại như hôm nay. Năm 1961 Bổn đạo và ông Lâm Vĩnh Bá trùng tu lại chùa. Trước chùa có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên, mặt quay về hướng biển như sẵn lòng phù hộ cho ngư dân quanh vùng Phú Hài. Chánh điện chùa tuy không đồ sộ nhưng rất trang nghiêm, điện phật thờ Đức Phật Thích Ca và một số tượng. Tả hữu thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, lầu trống thờ Hộ Pháp và Tiêu diện đại sĩ. Phía sau chánh điện là nhà thờ Tổ và Tiên Linh. Bên cạnh chùa còn một ngôi tháp 2 tầng có kiến trúc rất đẹp. Hiện chùa Bửu Sơn cùng với cụm tháp chăm Pô Sah Inư và thắng tích Lầu Ông Hoàng tạo thành một điểm tham quan rất lý thú nằm ngay trên đường đi khu du lịch cao cấp Mũi Né - Hàm Tiến.
Chùa Bình Quang xưa kia là một ngôi chùa làng (phường Bình Hưng), do các hương chức cùng nhân dân sáng lập vào năm Thành Thái thứ 11 (1900) để thờ phật. Chùa tọa lạc tại đường Cao Thắng (phường Bình Hưng). Trong khoảng 1936 - 1937, Ni Trưởng Diệu Tịnh từ miền Nam đi hoằng hóa ra miền Trung ghé lại Bình Thuận để khai đàn giảng pháp. Cảm ân đức và mến phục Ni Trưởng nên dân làng cung thỉnh Ni Trưởng Diệu Tịnh trụ trì và cúng luôn ngôi chùa này cho Ni Trưởng vào năm 1937. Từ đó chùa Bình Quang trở thành Tổ đình của ni giới Bình Thuận.
Chùa Bình Quang xây theo hình chữ khẩu, phía trước là chánh điện, cách một sân nhỏ là nhà thiền, nối liền nhà thiền và chánh điện là đông tây lang. Đặc biệt, chánh điện thờ phật rất đơn giản nhưng trang nghiêm tao nhã. Chính giữa điện thờ tượng Đức Bổn Sư bằng đồng cao khoảng 1,5m, phía tả thờ tượng Đức Bổn Sư nhập Niết bàn và phía hữu thờ Đức Bổn Sư Trì bình. Bên cạnh chùa phía hữu (từ cổng đi vào) là vườn tháp của Chư Tôn Túc Ni và Chư Ni với ngôi mộ tháp đẹp và lớn nhất của Ni Trưởng Diệu Tịnh và Ni Trưởng Huyền Học. Hiện chùa được xây dựng thêm cổng Tam Quan đẹp nhất Bình Thuận.
Chùa Ông (Quan Đế Miếu) là thiết chế tín ngưỡng dân gian có quy mô lớn nhất của người Hoa ở Bình Thuận được xây dựng năm 1778. Chùa có địa chỉ tại số 161 đường Trần Phú (phường Đức Nghĩa) với diện tích quần thể kiến trúc khoảng 3.000m2. Toàn bộ chùa xếp thành 4 hàng dọc nối liền nhau, trình tự từ phải qua trái là gian thờ tiền hiền, chính điện thờ Quan Công, Bà Thiên Hậu, Phước đức chánh thần, gian thờ thánh mẫu thai sanh và gian thờ tổ tiên là nữ giới. Chính điện và các gian thờ có lối kiến trúc, trang trí nghệ thuật mang tính đặc trưng riêng biệt của người Hoa. Hệ thống các vì, cột, kèo, trính, con đội băng gỗ được tạo dáng và chạm khắc công phu với hầu hết sơn màu xanh hoặc vàng nổi bật trên nền đỏ. Mỗi gian thờ có từ 3 - 4 nóc nối tiếp nhau từ trước ra sau theo lối trùng thiềm điệp ốc với mái được lợp bằng ngói sứ lưu ly màu xanh. Toàn bộ nội thất trang trí theo các đề tài như rồng, phượng, long, rùa, dơi… hay các điển tích trong lịch sử Trung Hoa.
Chùa hầu như giữ nguyên vẹn các di vật cổ xưa, tiêu biểu như 11 khám thờ, 14 bức bao lam, 2 đại hồng chung, 60 bức hoành phi, 42 câu đối, 2 bài văn bia, 3 bài minh chuông, đặc biệt là pho tượng Quan Công, tượng Bà Thiên Hậu, đại hồng chung được tạo tác từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam. Ngoài di vật cổ, tại Chùa Ông còn diễn ra nhiều nghi lễ trong năm như: giao thừa, cúng trời, vía đức Quan Thánh, vía Thánh mẫu, vía Bà Thiên Hậu, Tết Nguyên đán; trong đó đặc sắc và quan trọng nhất là Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh diễn ra trong 3 ngày theo chu kỳ 2 năm 1 lần (năm chẵn) vào trung tuần tháng 7 âm lịch. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc, thu hút không chỉ cộng đồng người Hoa ở Bình Thuận mà còn có sự tham gia của người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ngoài phần lễ với hàng chục nghi thức truyền thống còn có phần hội độc đáo, hấp dẫn diễn ra trên các cung đường của thành phố Phan Thiết.
Chùa Bà Thiên Hậu do những thương gia người Hoa xây dựng tại phường Phú Hài. Thiên Hậu cung phả ghi chép rằng: Những thương gia người Hoa sang Việt Nam giao thương thường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và ghé vào các cửa biển để lên các chợ ven sông buôn bán. Tại Phan Thiết, các thương gia thường ghé vào biển Phú Hài đến chợ Dinh. Hầu hết các thương gia buôn bán đều lập trang thờ bà Thiên Hậu trên ghe để được bà phù hộ bình an. Một hôm có 1 chiếc ghe bị hư hỏng, phải đậu tại Phú Hài để sửa chữa. Nhằm thuận tiện cho công việc, chủ ghe đã thỉnh tượng Bà lên một mô đất cạnh dòng sông để thờ cúng tạm. Sau khi xong việc chủ ghe làm lễ rước tượng xuống ghe nhưng tượng Bà bỗng dưng quá nặng, nhiều người khiêng không nổi. Cuối cùng đành phải che tạm một miếu nhỏ để thờ Bà. Vào năm 1725, những thương gia người Hoa đến buôn bán tại chợ Phú Hài đến cúng bái và góp tiền xây dựng chùa Bà Thiên Hậu tại đây.
Năm 1995, Quan Đế Miếu Phan Thiết xin phép chính quyền địa phương xây dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ. Ngày 27/3/2003, Chùa Bà khởi công xây dựng lại hoàn tất với đền chính và hai đền phụ. Chùa Bà Thiên Hậu hôm nay nằm giữa khung cảnh yên bình, xung quanh là những đồi cát trắng và rừng dừa, hàng ngày chào đón rất đông khách tham quan và người dân trong vùng đến viếng.
Nguyên Vũ