Chúng tôi thuê xe máy chạy một vòng quanh đảo để chiêm ngưỡng “thiên đường xanh” ở nhiều góc độ. Khung cảnh nơi đây thật kỳ vỹ và nguyên sơ với các cột đá, khối đá, pháo đài đá đứng sừng sững, hiên ngang. Do được hình thành từ hoạt động của núi lửa với vết tích còn lại là miệng 5 ngọn núi lửa (Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Vung) đã tạo nên những cảnh quan đa dạng minh chứng về sự hình thành của đảo cách đây 25 - 30 triệu năm. Chúng tôi đã gặp một du khách nước ngoài ở hẳn Lý Sơn 3 tháng liền để nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá các giá trị địa chất địa mạo, dấu tích phun trào của núi lửa …
Nằm ẩn mình trong núi Thới Lới hướng mặt ra mặt biển xanh ngọc, chùa Hang có chiều rộng khoảng 30m ăn sâu vào núi. Trong khuôn viên chùa, tán bàng vuông tỏa bóng gân guốc xuống nền cát trắng đã lấm tấm những bông hoa tim tím nhiều sợi mảnh. Ở một góc khác là tượng Phật Quan Âm cao 27m, với nét mặt hiền từ hướng ra biển. Leo vào khoảng chục bậc thang là lên tới chùa Đục - ngôi chùa nhỏ thu mình vào vách núi Giếng Tiền, có hàng dây leo và rễ cây trên vách núi đẹp một cách huyền bí. Leo thêm tầm chục bậc thang, lên tới tàn tích của miệng núi lửa thì gặp ngay thung lũng xanh mướt, từ đây có thể nhìn xuống một phần biển đảo Lý Sơn, nơi có cổng tò vò đẹp cô liêu trong ánh hoàng hôn.
Người ta bảo ở Lý Sơn, muốn ngắm bình minh đẹp nhất thì phải lên núi Thới Lới. Không kịp ngắm bình minh vì mây mù, nhưng bù lại tôi được chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn thi vị trên đỉnh Thới Lới, mặt trời to tròn đỏ ối phủ màu hồng rực xuống mặt biển xanh, và dần chuyển sang màu tím lúc chiều muộn.
Chúng tôi đã hòa mình với biển xanh, cát trắng, nước trong đến mức thấy cả đáy cát trắng mịn với những rạn san hô nhiều màu sắc.Thư giãn trên những tảng đá lớn, thả chân dưới làn nước biển xanh mát, nghe tiếng sóng rì rào như khúc nhạc đại dương…
Huyện đảo Lý Sơn còn là nơi lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và sinh mạng của Hải đội Hoàng Sa - đội tàu hàng hải quy tụ nhiều thế hệ tráng đinh hai làng An Vĩnh và An Hải. Nơi đây hiện có nhiều di sản văn hóa và tư liệu quý về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Để tưởng nhớ những chiến sĩ Hoàng Sa bỏ mình trên biển, du khách có thể viếng Âm Linh tự, mộ gió, tham quan tượng đài lính Hoàng Sa, bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để chứng kiến những hiện vật của lính Hoàng Sa xưa, hiểu thêm về truyền thống anh dũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của cha ông.
Lý Sơn không chỉ khiến du khách choáng ngợp với màu xanh ngọc của nước biển mà còn có màu xanh mát mắt của những cánh đồng tỏi và hành trên nền cát trắng phủ khắp đảo. Buổi sáng ở đây, những vòi nước giữa các ruộng tỏi thi nhau phun tắm mát cho những cánh đồng. Mùa tỏi Lý Sơn bắt đầu từ tháng 10 và thu hoạch vào giữa tháng 2 hàng năm. Sau những ngày đón Tết, “vương quốc tỏi” trở nên thơ mộng hơn khi các ruộng tỏi ngả vàng, báo hiệu mùa thu hoạch. Không khí tất bật, khẩn trương trên khắp đảo. Tỏi được vận chuyển về nhà trên những chiếc xe đẩy hoặc xe máy nặng trĩu. Sau đó, tỏi được cắt tỉa sạch rễ, phơi khoảng 3-4 nắng để tỏi có độ “ngót” rồi mới được đưa ra chợ.
Tỏi Lý Sơn còn được biết đến với cái tên “tỏi cô đơn”, nức tiếng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của một vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc. Tỏi cô đơn phát triển một cách tự nhiên, ngay cả người trồng cũng không thể tác động được. Do chỉ có một tép to nên tỏi cô đơn khá hiếm và giá của nó cao gấp hàng chục lần so với tỏi thường. Ngoài tỏi khô, thân cây tỏi tươi được chế biến thành món ăn đặc sản ở huyện đảo Lý Sơn. Đến Lý Sơn, du khách có thể ghé thăm các hộ nông dân trên đảo, tìm hiểu và trải nghiệm công đoạn trồng, thu hoạch hành tỏi rồi mua về làm quà.
Rời Lý Sơn, ấn tượng về những người dân đảo cần cù cùng màu xanh mát mắt của những cánh đồng tỏi cứ theo tôi mãi khi đã về tới đất liền…
Huyện đảo Lý Sơn (còn gọi là Cù lao Ré) chính thức thành lập ngày 1/1/1993, giữ vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Đông Việt Nam. Đảo có tổng chiều dài đường bờ biển trên 25km, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và là nơi lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với nhiều di sản văn hóa và tư liệu quý về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
- Di chuyển: Từ sân bay Chu Lai có xe bus miễn phí đến Quảng Ngãi khoảng 40km. Nếu bay đến Đà Nẵng bạn nên bay tối, đi tàu đêm SE đến ga Quảng Ngãi (vé hơn 100.000đ), đón xe bus (vé 13000đ/người) hoặc taxi (230.000đ/chuyến) tới cảng Sa Kỳ, lên tàu chuyến sớm nhất khoảng 7h xuất phát. - Phương tiện di chuyển trên đảo: taxi Tiên Sa, xe máy, xe ôm trọn ngày (150.000đ/xe). - Cơ sở lưu trú: nhiều khách sạn, nhà nghỉ tập trung ở khu gần cảng cá, cổng tò vò và phía Đông của đảo. Tọa lạc ở giữa đảo, khách sạn Mường Thanh mới khai trương dịp 30/4/2016. - Dịch vụ: Giá dịch vụ rất đồng nhất ở mọi nơi, ví dụ 80.000đ cano ra đảo Bé (tàu gỗ đồng giá), 10.000đ xe điện 1 chiều, 60.000đ/ người/ lặn san hô… |
Hạ Tinh
Tạp chí Du lịch tháng 6/2016