Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển du lịch
Tiềm năng ẩm thực và văn hóa ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long
Có thể khẳng định, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất đai trù phú, màu mỡ, phì nhiêu, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt khiến cho sản vật dồi dào, nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, đa dạng đã tạo nên cuộc sống dư giả, phóng khoáng của cư dân nơi đây.
Trong quá trình tiếp xúc môi trường thiên nhiên mới, điều kiện môi sinh và thổ nhưỡng lạ với hệ thống chi chít sông, ngòi, ao, hồ, kênh, rạch, biển... địa bàn cư trú của người dân đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp một hệ thống nguồn động vật thủy sản dồi dào, đa dạng, trong đó cá là loại thực phẩm cơ bản nhất.
Riêng các vùng rừng ngập trong nước, thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây nguồn hải sản thủy sinh khổng lồ gồm: nghêu, sò, ốc, hến, vọp, hàu, vẹm, chem chép, ba khía, cua, sam, tôm, rùa, ba ba, lươn, tép...
Đối với các loài động vật lớn có heo, bò, trâu... Các loại động vật, gia cầm nhỏ gồm chuột đồng, dơi, cóc, ếch, tắc kè, chim muông, thằn lằn, rắn mối... Các loại côn trùng như: đuông, dế, ong, ve sầu, cào cào, châu chấu, sâu...
Về các loại bánh gồm có bánh tét, bánh bò bươm bướm, bánh bò Hà Tiên, bánh cà na, bánh trái nhãn, bánh tai yến, bánh ít nhân đậu nhân dừa, bánh chuối nướng, bánh cam, bánh hỏi thịt quay, bánh ướt, bánh bèo, bánh xèo, bánh tráng, bánh phồng, bánh xếp...
Các món chè như chè trôi nước, chè khoai môn, chè chuối, chè bà ba, chè thập cẩm... Các loại xôi như xôi đậu xanh, xôi vò, xôi vị, xôi rạm, xôi lá cẩm, xôi nếp than, xôi sầu riêng, xôi đậu phộng, xôi thập cẩm, xôi lá dứa, xôi gà... Các loại rau, củ, quả như: khoai lang, khổ qua, mồng tơi, nấm rơm, mướp, cà, dưa leo, xà lách, tía tô, ngò gai, bầu, bí, chôm chôm, xoài, đu đủ, táo, bưởi, cam, quýt, măng cụt, mít, mãng cầu, nhãn, chuối, dứa, sầu riêng, mận, vú sữa...
Các loại đồ uống: rượu, trà, các loại nước lá mát, các loại chè ngọt sử dụng đậu, thạch, nước đường, các loại thức uống từ hoa quả, nước rễ tranh mía lau, lá xăm, hột é, các loại thức uống từ thảo dược…
Ngoài những lương thực, thực phẩm từ động vật, thực vật kể trên, cư dân đồng bằng sông Cửu Long còn chủ động tạo ra nhiều nguồn thực phẩm bằng nhiều hình thức rất độc đáo khác nhau phù hợp với điều kiện môi sinh xung quanh. Có thể kể đến là hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, hoạt động kinh tế vườn, hoạt động nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ những hình thức này mà nguồn cung cấp thực phầm thêm dồi dào và ổn định. Và trên thực tế nó cũng góp phần tạo nên sự phong phú trong việc chế biến món ăn, đồng thời góp phần vào sự hình thành đặc trưng của ẩm thực vùng miền nơi đây.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển của một vùng đất mới, cư dân đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên một sắc thái đặc thù về ẩm thực, vừa chứa đựng những yếu tố kế thừa của văn hóa truyền thống tổ tiên xưa, vừa mang nhiều màu sắc, phong vị của môi trường mới.
Giải pháp để khai thác các giá trị của văn hóa ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thu hút khách du lịch trong giai đoạn hiện nay
Nhìn chung, đồng bằng sông Cửu Long tuy có nhiều hoạt động khai thác các yếu tố thuộc về văn hóa ẩm thực để thu hút khách du lịch nhưng chưa được tiến hành một cách có hệ thống. Các hoạt động khai thác và sử dụng các yếu tố ẩm thực không được tổ chức một cách rầm rộ, mang tính đặc thù riêng mà chỉ thường được lồng ghép trong các hoạt động xúc tiến du lịch nói chung. Phần lớn sự kiện liên quan đến du lịch ẩm thực vẫn thiếu tập trung quảng bá, chưa tạo dựng được hình ảnh sản phẩm nổi bật. Việc quảng bá, tuyên truyền mới chỉ dừng ở quy mô và tính chất địa phương, chưa mang tầm quốc gia.
Từ thực tế ấy, cần có lộ trình và giải pháp cụ thể để tiến hành quy hoạch và phát triển ẩm thực thành một “mũi nhọn” thu hút khách du lịch.
Về công tác quảng bá thu hút khách du lịch
Cần có thêm nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá cho ẩm thực và văn hóa ẩm thực của vùng đồng bằng sông Cửu Long cả trong và ngoài nước thông qua sách, báo, phương tiện truyền thông, điện ảnh… như một số nước đã làm.
Tổ chức các sự kiện ở trong nước và ngoài nước giới thiệu ẩm thực theo chủ đề vùng, miền; thi tay nghề chế biến món ăn định kỳ, kết hợp giữa địa phương, doanh nghiệp, từng bước xây dựng các sự kiện đó trở thành sản phẩm du lịch.
Các doanh nghiệp lữ hành và địa phương có thể xây dựng và triển khai các tour, tuyến du lịch tham quan vùng nguyên liệu, chợ quê và học cách làm các món ăn.
Về công tác bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực
Các cơ quan, Bộ, ngành cần phải tăng cường công tác quản lý hoạt động du lịch ẩm thực. Tiến hành việc sưu tầm và phục dựng các lễ hội, hội thi dân gian liên quan đến trình diễn và chế biến ẩm thực. Sưu tầm và tái tạo các đồ dùng phục vụ cho ẩm thực như các loại hình bát đĩa, ấm chén, nồi niêu...
Xây dựng những bảo tàng, nhà trưng bày giới thiệu văn hóa ẩm thực, đặc sản địa phương, có nhà hàng để trình diễn hay thực hành về các món ăn cho du khách xem và thưởng thức.
Gìn giữ các làng nghề có truyền thống chế biến đặc sản ẩm thực, giúp đỡ các nghệ nhân giữ gìn và nâng cao tay nghề, đào tạo thêm những nghệ nhân mới trong nghệ thuật ẩm thực. Tổ chức đào tạo những đầu bếp Việt Nam và đầu tư mở thêm những quán ăn, nhà hàng đặc sản dân tộc cao cấp ở trong nước và nước ngoài để gìn giữ và giới thiệu rộng rãi những đặc sản ẩm thực các dân tộc Việt Nam trong nước và ra thế giới.
Tất cả những điều này đòi hỏi sự chung tay, phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và các ngành văn hóa, du lịch, ngoại giao, thương mại... cho đến các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng và người dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường (1990), Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Nguyễn Như Bình (2010), “Trang bị kiến thức ẩm thực và văn hóa ẩm thực cho người học trong đào tạo nghề bếp”, Kỷ yếu Khoa học Nhu cầu sử dụng và đào tạo nhân lực nghề bếp Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Như Bình (2013), “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực nghề bếp hiện nay: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương.
4. Nguyễn Nguyệt Cầm (2008), Giáo trình Văn hóa ẩm thực, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội…
Ths. Lê Thị Thanh Yến