Tham dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao các địa phương, các nghệ sỹ, diễn viên đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh. Trên lĩnh vực văn hóa, từ khẳng định của Bác Hồ kính yêu: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, từ ánh sáng và những giá trị vượt thời gian của bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943”, đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tới Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phát triển văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, của các dân tộc thiểu số nói riêng là di sản quý báu, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời nay đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc chung tay bảo tồn, củng cố và phát triển. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. “Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Văn hóa có sức mạnh kết nối các dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023” với phương châm “Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” hứa hẹn sẽ mang lại một bầu không khí vui tươi đoàn kết, với nhiều hoạt động như tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc, các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trong đó có các sự kiện lần đầu được tổ chức… Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Ngày hội sẽ mang lại sự trải nghiệm quý báu đối với nhân dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, để những thế hệ sau biết trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình, trân quý sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa việt Nam thông qua kho tàng di tích, di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của dân tộc. Đoàn kết để nhân lên khát vọng cháy bỏng, đoàn kết để nỗ lực cao nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, Bộ trưởng tin tưởng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong rằng, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội “kết nối”, “lan tỏa” sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Tiếp tục sưu tầm, bảo tồn phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em, kết hợp văn hóa với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa Việt Nam đến với du khách và bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
Tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trao tặng quà cho đại diện Nghệ nhân đồng bào các dân tộc.
Sau phần lễ, các đại biểu cùng nhân dân và du khách xem chương trình nghệ thuật mang tên “Sắc màu hội tụ tỏa sáng”, nhằm tôn vinh những nét đẹp truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tiêu biểu đặc sắc về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam do các diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát Quân đội; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cùng khối các nghệ nhân các tỉnh Sơn La, Lai Châu; Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đà Nẵng thể hiện.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2023 và Ngày hội Trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023 diễn ra từ ngày 22 - 26/11/2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Xuyên suốt ngày hội là triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; giới thiệu đến công chúng 160 bức ảnh chọn lọc về 54 dân tộc anh em.
Tuấn Sơn