Trước giờ khai mạc sự kiện, các đại biểu đã làm Lễ dâng hương tại điện Kính Thiên; tham quan khu trưng bày sản phẩm làng nghề; xem trình diễn trống Đọi Tam và dự tái hiện lễ rước tổ nghề tại một số làng nghề truyền thống Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ: Ngành nghề, làng nghề nông thôn có lịch sử phát triển lâu đời và phong phú. Các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Làng nghề đã lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, đóng góp vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho cư dân nông thôn. Với thông điệp "Cùng nhau nâng niu giá trị Việt. Cùng nhau nâng tầm làng nghề Việt. Cùng nhau kết nối tinh hoa Việt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam và mỗi người dân, nhất là các thế hệ trẻ, tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút, xây dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa đa dạng, bản sắc văn hóa độc đáo của làng nghề.
Phát biểu tại lễ khai mạc Festival, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, là mảnh đất lưu giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Thăng Long - Hà Nội địa linh nhân kiệt với sự giao thoa văn hóa của nhiều vùng đất trên cả nước.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Nhận thức giá trị sâu sắc của làng nghề và nghề truyền thống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; đồng thời, có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề cả nước. Mỗi làng nghề của Hà Nội mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm làng nghề tại Hà Nội đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lành thổ.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời, phát triển 9 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã. “Thành phố cam kết tiếp tục phối hợp, đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề và làng nghề Việt Nam, góp phần vào thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023” - ông Thanh chia sẻ.
Tại lễ khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Ban Tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cũng vinh danh 45 tác phẩm đạt giải. Đây là những tác phẩm xuất sắc được tuyển lựa trong số 500 tác phẩm gửi dự thi của các nghệ nhân, thợ giỏi trên cả nước.
Tuấn Sơn